(TSVN) – Những ngày này, dạo trên các cánh đồng nuôi tôm xen canh trồng lúa của bà con nông dân Bạc Liêu, có thể cảm nhận được bầu không khí phấn khởi khi người dân được mùa, hơn nữa tôm cũng bán được giá, hứa hẹn một cái Tết đủ đầy và sung túc.
Nông dân Bạc Liêu tất bật thu hoạch tôm trên ruộng lúa. Ảnh: Gia Minh.
Hàng năm, vào độ cuối tháng 11 và đầu tháng 12 âm lịch, nông dân Bạc Liêu bắt đầu rút nước trong ruộng lúa – tôm để thu hoạch. Sau khi nước bị rút cạn, tôm càng xanh sẽ ngộp và nổi lên mặt nước, người dân chỉ cần lấy tay bắt tôm và bỏ vào thùng xốp, tiếp đó tôm sẽ được bỏ vào thùng nhựa lớn, sục oxy.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hậu (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) có hơn 2 ha diện tích làm lúa – tôm. Anh chia sẻ: Mỗi năm vào dịp gần Tết, tôi thu hoạch lãi được khoảng 20 – 30 triệu đồng từ tôm càng xanh. Đây là năm thứ ba gia đình tôi trúng mùa tôm, mọi người đều rất phấn khởi.
Ông Mai Thanh Tuấn (xã Phước Long, huyện Phước Long) canh tác lúa – tôm càng xanh trên diện tích 1,5 ha. Gia đình ông vừa thu hoạch được hơn 300 kg tôm càng xanh, bán với giá 80.000 đồng/kg. Ông Tuấn kể: Vụ tôm càng xanh trên đất lúa, gia đình tôi thu được hơn 24 triệu đồng, còn lúa thì mỗi công lãi khoảng 5 triệu đồng. Với giá tôm, lúa như hiện nay, nông dân chúng tôi đón Tết vui lắm.
Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có gần 40.000 ha đất sản xuất theo mô hình lúa – tôm tại các huyện Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai. Mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả, không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác mà còn tạo ra môi trường thuận lợi cho con tôm, cây lúa phát triển. Để khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh từ mô hình này, tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch phát triển mô hình tôm sạch, lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa vùng phía Bắc Quốc lộ 1A đến năm 2025 với mục tiêu đến năm 2025, diện tích tôm – lúa đạt 41.000 ha.
Bạc Liêu nằm ven biển thuộc vùng bán đảo Cà Mau, diện tích tự nhiên gần 2.700 km² với 56 km bờ biển có 3 vùng sinh thái gồm nước mặn, nước ngọt, nước lợ thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Riêng tôm nước lợ có diện tích trên 140.000 ha, sản lượng hàng năm chiếm 20 – 21% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước. Toàn tỉnh Bạc Liêu có 48 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, với thiết bị hiện đại, công suất 294.000 tấn/năm. Sản phẩm tôm đã được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới.
Nam Linh