Khí độc ao tôm và biện pháp xử lý

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Các loại khí độc nào thường xuất hiện trong ao nuôi tôm? Nguyên nhân phát sinh khí độc là gì?

(Trần Công Hòa, xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)

Trả lời:

Các loại khí độc trong ao nuôi tôm là một trong những nguyên nhân khiến tôm còi cọc, chậm phát triển, thậm chí là chết hàng loạt, khiến người nuôi lao đao. Các loại khí độc trong ao nuôi tôm thường gặp nhất có thể kể đến là Amoniac (NH3), Nitrite (NO2) và Hydro Sulfua (H2S). Những loại khí này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm cụ thể: Làm cản trở khả năng lấy ôxy của tôm; Gây stress cho tôm, nhiễm khuẩn, tôm chậm tăng trưởng; Giảm sức đề kháng, làm tôm dễ nhiễm bệnh; Dễ chết hàng loạt nếu tiếp xúc thời gian dài; Tạo điều kiện cho các loại tảo độc phát triển, gây thiếu ôxy hàng loạt, gây hiện tượng sụp tảo. 

Nguyên nhân gây ra khí độc trong ao tôm: 

Thức ăn thừa: Trong quá trình cho tôm ăn, phần lớn thức ăn dư thừa và lắng đọng xuống đáy ao, thức ăn nhiều đạm tích tụ, hòa vào nước làm tiêu tốn oxy và xuất hiện nhiều khí độc trong ao nuôi.

Chất thải từ tôm: Thông thường tôm chỉ hấp thụ hết khoảng 30% thức ăn, còn lại sẽ chuyển hóa thành chất thải và bài tiết vào nước. Đây là nguyên nhân số một sản sinh ra khí độc trong ao. Tôm càng lớn, càng ăn nhiều và đào thải ra càng nhiều. Dẫn đến lượng khí độc ngày càng cao.

Xác tảo tàn, xác phiêu sinh vật, côn trùng, vỏ tôm phân hủy cũng là một trong những nguyên nhân sinh ra khí độc.

Do thiết kế của ao nuôi tôm: Nhiều ao có thiết kế hình ống xương nhô cao hơn bề mặt bạt làm cản trở việc thoát thức ăn thừa ra rún ao. Ngoài ra, thiết kế và vị trí đặt dàn quạt trong ao chưa hợp lý, chưa phát huy tác dụng gom phân thừa nhanh nhất dẫn đến tích tụ chất thải dưới đáy ao, lâu ngày sinh khí độc.

Nguyên nhân từ nguồn nước: Nguồn nước cấp vào ao nuôi bị ô nhiễm, chứa xác thực vật, xác động vật phân hủy, phân bón dư thừa từ các ruộng hoa màu như Urê, NPK cũng là một nguyên nhân sinh khí độc trong ao.

Mưa cũng làm cho khí độc có điều kiện tiếp xúc với tôm.

Ngoài ra, ao nuôi trên cát lót bạt trong thời gian nuôi, bùn và nước từ ao rò rỉ vào đáy cát, gây ra quá trình phân hủy yếm khí tại đây, sinh ra H2S. Từ đó H2S thẩm thấu ngược từ cát vào ao nuôi.

Ao nuôi trên nền đất phèn có pH đáy thấp, khi lượng chất hữu cơ trong nước tăng cũng góp phần tạo ra H2S.

Hỏi: Giải pháp phòng tránh khí độc cho tôm nuôi?

(Ngô Quốc Hùng, xã Hưng Hợi, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu)

Trả lời:

Để hạn chế thấp nhất hiện tượng bùng phát khí độc, người nuôi cần: Cải tạo ao theo đúng quy trình, bùn và các chất bẩn phải được loại bỏ ngay từ đầu. Xây dựng hệ thống xi phông tự động để thường xuyên xi phông đáy ao nhằm giảm thiểu chất thải ra môi trường, tốt nhất nên xi phông sau khi tắt quạt cho tôm ăn từ 20 – 25 phút. Nuôi tôm với mật độ phù hợp, không nên thả quá dày. Trong quá trình nuôi, cần quản lý tốt thức ăn, tránh bị dư thừa. Thường xuyên thay nước để giảm áp lực môi trường nước. Cần cung cấp và đảm bảo đủ hàm lượng ôxy hòa tan. Định kỳ bổ sung vôi và khoáng để ổn định độ kiềm và pH. Duy trì mật độ tảo ổn định. Sử dụng vi sinh, enzyme thường xuyên trong quy trình nuôi để xử lý môi trường, phân hủy các hợp chất hữu cơ dư thừa, phân tôm, xác tảo và sinh vật trong ao, chuyển hóa chất độc thành không độc. Hàng ngày, sử dụng test để kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và theo dõi khí độc từ đó đưa ra biện pháp xử lý hiệu quả nhất.

Khi ao nuôi có hàm lượng khí độc cao, cần giảm 30 – 50% lượng thức ăn, ít nhất 3 ngày cho đến khi điều kiện ao nuôi trở lại bình thường. Xi phông đáy ao để loại bỏ chất thải. Tiến hành thay nước, có điều kiện nên thay nhiều lần. Thời gian thay vào khoảng sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế tôm bị sốc. Cùng đó, cần đảm bảo chạy quạt, sục khí hết công suất để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong ao. Bổ sung ôxy viên/bột nhằm thúc đẩy quá trình nitrat hóa, đồng thời ôxy hóa chất hữu cơ. Sử dụng các chế phẩm vi sinh xử lý khí độc, chất thải dưới đáy ao nuôi. 

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!