(TSVN) – Mặc dù các mô hình nuôi tôm thâm canh ở Mỹ Latinh vẫn đang phát huy hiệu quả, Ecuador cần lấy châu Á làm bài học nhãn tiền bởi hệ lụy của việc thả nuôi tôm quá mức tại đây, cho đến nay, vẫn chưa giải quyết được.
Vài thập kỷ qua, nghề nuôi tôm phát triển đã kéo theo xu hướng thâm canh mật độ cao để tăng sản lượng. Người Mỹ Latinh dùng thuật ngữ “công nghệ hóa” để mô tả quá trình này, cụ thể, sử dụng công nghệ khác nhau để tăng mật độ nuôi. Nhờ đó, sản lượng tôm nuôi toàn cầu cũng tăng cao. Tuy nhiên, lợi nhuận chỉ xuất hiện khi hiệu quả sản xuất tăng và chi phí giảm. Hiện, mô hình thâm canh đang phát huy hiệu quả ở Ecuador nhưng rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn.
Mô hình thâm canh mật độ cao đã mang lại thời hoàng kim cho ngành tôm châu Á trong thập niên 2000. Giai đoạn 2002 – 2010, sản lượng tôm nuôi của châu Á tăng từ 1 triệu tấn lên 2,5 triệu tấn, trong khi chi phí sản xuất tại một trại nuôi tôm điển hình ở Thái Lan đã giảm từ 175 baht/kg xuống 90 baht/kg. Trong thời gian đó, các trang trại đã áp dụng công nghệ để hỗ trợ tăng trưởng, gồm sục khí, máy cho ăn tự động, ương nuôi, con giống SPF, cải tiến di truyền, cải thiện dinh dưỡng, quản lý thức ăn và an toàn sinh học.
Gần đây, ngành tôm Ecuador cũng “theo chân” châu Á, đó là tăng sản lượng để giảm chi phí, ngay cả khi lạm phát leo thang. Về cơ bản, Ecuador áp dụng những công nghệ tương tự đã từng mang lại thành công rực rỡ cho ngành tôm châu Á từ rất sớm. Nông dân Ecuador cũng nuôi tôm trong ao có mái che để giảm phụ thuộc vào thời tiết và tăng vụ nuôi, sau cùng nâng cao năng suất và giảm chi phí, tương tự những gì châu Á đã làm vào đầu những năm 2000.
Đại dịch AHPND, còn gọi là EMS xuất hiện ở Đông Nam Á đầu những năm 2010 đã khiến nguồn cung tôm toàn cầu bị đình trệ suốt hai năm; mở ra cơ hội cho Ấn Độ và Ecuador chạy đua sản lượng. Để không tụt lại phía sau, các quốc gia như Thái Lan,Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc đã quyết định tăng cường nuôi thâm canh có kiểm soát hơn và chia nhỏ vùng nuôi để tăng sản lượng và dễ quản lý dịch bệnh. Mật độ nuôi tăng từ 100 PL/m2 lên trên 300 – 400 PL/m2, kéo theo nhu cầu sử dụng chất khử trùng hóa học, probiotics và thức ăn chức năng.
Những khu vực có mô hình thâm canh tăng vụ cũng là nơi đang chứng kiến tình trạng quá sức tải môi trường. Nhiều sản phẩm và công nghệ xuất hiện để khắc phục các vấn đề do vượt quá sức tải gây ra nhưng phần lớn đều không mang lại tác dụng như những lời hứa hẹn. Quá sức tải môi trường làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và tải lượng mầm bệnh. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc là những minh chứng cho điều này.
Công nghệ có thể kéo dài sự tồn tại cho các hệ thống quá tải, nhưng đổi lại, các trại nuôi này sẽ phải gánh chịu chi phí làm giảm cơ hội cạnh tranh trên thị trường. Chắc chắn các trang trại nuôi tôm thâm canh sẽ dần mất khả năng cạnh tranh, trừ khi họ biết điểm “giới hạn” để không vượt quá sức tải môi trường. Ví dụ với Thái Lan, một số công nghệ đã giúp sản lượng tôm phục hồi dù chưa thể quay lại thời hoàng kim nhưng làm tăng chi phí sản xuất. Công nghệ được đánh giá là thành công nếu có khả năng làm giảm chi phí sản xuất cho trang trại đó. Tuy nhiên, khi sản lượng tôm thế giới tăng nhanh hơn nhu cầu tiêu thụ và giá bán tôm giảm liên tục, các nước nuôi tôm buộc phải chọn 2 giải pháp; một là tăng giá trị cho sản phẩm tôm thông qua chế biến sâu; 2 là quay lại thị trường nội địa.
Nhiều nông dân đang tìm đến công nghệ với hy vọng để nâng cao sức cạnh tranh. Đến nay, AI, IoT, tự động hóa đã trở thành công nghệ quen thuộc trong ngành tôm giúp cải thiện hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, muốn sử dụng những công nghệ này, người nông dân cần phải có kiến thức và chấp nhận khoản đầu tư ban đầu không hề nhỏ để đổi lại lợi nhuận cao hơn sau này. Ngoài ra, sử dụng công nghệ tùy tiện và thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến thua lỗ.
Nhiều trại nuôi tôm ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia đã dần nhận thức được tầm quan trọng của sức tải môi trường và tìm cách tôn trọng giới hạn này. Một số giải pháp mà họ đang áp dụng hiệu quả như, giảm mật độ thả nuôi, cung cấp đủ sục khí, duy trì vệ sinh đáy ao, sử dụng tôm giống sạch bệnh EHP và ứng dụng cải tiến di truyền để giảm chi phí và nâng cao năng suất. Đây cũng là bài học cho các trại tôm ở Mỹ Latinh bởi nuôi tôm cần phải gắn với ý thức bảo vệ môi trường.
Robins McIntosh
Giám đốc C.P Foods