(TSVN) – Để phát triển ngành thủy sản bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng cường sức cạnh tranh, thì việc đầu tư, ứng dụng khoa học – công nghệ (KHCN) là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài.
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, KHCN là yếu tố quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển của toàn ngành nông nghiệp. Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết: Giai đoạn 2018 – 2022, ngành thủy sản đã xây dựng được 56 quy trình công nghệ nuôi, sản xuất giống, khai thác, bảo quản, chế biến sản phẩm, đã được công nhận tiến bộ kỹ thuật. Nhiều công trình nghiên cứu, đưa ra các giải pháp giải quyết những vấn đề về dịch bệnh trên tôm, cá. Một số đề tài nghiên cứu, xây dựng được công thức thức ăn cho một số đối tượng nuôi như: Cá tra, tôm hùm, ốc hương, cá biển…
Doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào nuôi tôm. Ảnh: Phan Thanh Cường
Đối với nuôi trồng thủy sản, công nghệ sản xuất giống các đối tượng nuôi chủ lực đã được cải thiện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, đã chọn tạo được 23 giống cá, tôm tăng trưởng, tỷ lệ sống cao, chất lượng tốt. Số lượng, chất lượng con giống cá tra, tôm hùm, nhuyễn thể, cá rô phi cơ bản được nâng lên, đủ để sản xuất.
Đáng chú ý, tỷ trọng giống tôm nước lợ chất lượng được sản xuất trong nước tăng đáng kể, kịp thời phục vụ nhu cầu thị trường trong nước; giống tôm sú bước đầu được xuất khẩu sang các nước như: Indonesia, Thái Lan, Bangladesh… Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp ứng dụng KHCN trong nuôi tôm siêu thâm canh, mật độ thả trung bình 250 – 300 con/m2, năng suất khoảng 40 – 50 tấn/ha/vụ, sản xuất 2 vụ/năm, cho sản lượng vượt trội. Cùng đó, một số doanh nghiệp sản xuất thủy sản, đã được Bộ NN&PTNT cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản, lĩnh vực chế phẩm vi sinh vật dùng trong nuôi trồng thủy sản và nuôi tôm công nghiệp…
Ứng dụng KHCN là hướng đi tất yếu cả trước mắt và lâu dài. Ảnh: Phan Thanh Cường
Mặc dù đem lại nhiều kết quả khả quan, song hoạt động ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản ở nước ta nhìn chung hiệu quả chưa cao. Việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thủy sản giai đoạn vừa qua còn nhỏ lẻ, phân mảnh, chưa gắn nhiều với thực tế sản xuất.
Đáng lưu ý, khối doanh nghiệp, tư nhân tham gia vào phát triển nghiên cứu khoa học còn ít. Nguồn nhân lực, năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ khoa học còn hạn chế. Tính tự chủ ở các đơn vị nghiên cứu chuyển giao công nghệ còn thấp, chưa có sự liên kết hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài ra, việc tiếp cận các nguồn vốn vay của người dân còn hạn chế, trong khi nhu cầu kinh phí ban đầu, để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao là rất lớn…
Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu, đến năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản sẽ đạt 7 triệu tấn. Theo đó, chiến lược cũng nêu rõ quan điểm phải tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng đồng bộ; tăng cường nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ, ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số…
Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong nuôi trồng thủy sản, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hoạt động phổ biến thông tin KHCN, cũng như tập huấn, nâng cao năng lực cho người dân, để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các thành quả nghiên cứu KHCN vào lĩnh vực thủy sản; đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong ngành thủy sản. Trong đó, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là con giống, sau đó là công tác nghiên cứu về dịch bệnh thủy sản.
Ngành NN&PTNT cần tiếp tục chủ động, tích cực hợp tác, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học để nhận chuyển giao, áp dụng công nghệ sản xuất giống, phòng trị bệnh, dịch vụ thú y thủy sản, hỗ trợ nghiên cứu thị trường. Tăng cường các lớp tập huấn, phổ biến cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thủy sản.
Chúng ta cần tăng cường đầu tư, triển khai xây dựng công trình hạ tầng, giám sát môi trường nuôi, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào sản xuất để kiểm soát dịch bệnh, môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản. Tiếp tục khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất trang trại, cũng như hình thành các HTX chuyên ngành thủy sản để xây dựng thương hiệu, tạo mối liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, với các yêu cầu đa dạng từ thị trường, cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ chế biến thủy sản. Bởi đây là hướng đi giúp người nuôi, doanh nghiệp chế biến tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu, mang tính đặc trưng của địa phương và đem lại giá trị gia tăng cao.
>> “KHCN không chỉ dừng lại là tạo năng suất, sản lượng cao, mà là tạo ra giá trị gia tăng. Giá trị gia tăng đến từ kết quả hoạt động tích hợp đa giá trị trong một ngành, hướng tới mục tiêu là giảm chi phí. Đó chính là hướng đi của KHCN trong tương lai”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ.
Lê Loan