Phòng bệnh cho thủy sản mùa lạnh

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin cho biết các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá vào mùa lạnh?

(Nguyễn Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam)

Trả lời:

Đầu tiên, cần thực hiện tốt các biện pháp cải tạo ao theo đúng yêu cầu kỹ thuật của từng đối tượng nuôi. Vệ sinh ao đầm sạch sẽ trước mỗi vụ nuôi: Dọn sạch cỏ; vét bùn đáy ao; lấp các lỗ xung quanh bờ ao; bón vôi để tiêu diệt mầm bệnh, ổn định pH và diệt tạp.

Con giống đảm bảo khỏe mạnh, nhanh nhẹn, kích thước đồng đều, không bị trầy xước, không bị bệnh. Nên mua giống tại các cơ sở chất lượng, uy tín, được kiểm dịch thú y theo quy định. Trước khi thả giống cần tắm cá giống qua nước muối 2 – 3% trong 5 – 10 phút để sát trùng. Tranh thủ những ngày thời tiết nắng ấm, không có mưa phùn, nhiệt độ trên 200C để tiến hành thả cá giống nhằm đảm bảo mùa vụ. Thả cá giống tập trung trong thời gian 1 đến 3 ngày để giúp cá sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế bệnh có thể xảy ra.

Nên thả đúng mật độ tùy theo từng loài cá. Nhóm cá không có cơ quan hô hấp phụ (rô phi, mè hoa, trắm cỏ, chép…) thả với mật độ dưới 3 – 4 con/m2; nhóm cá có cơ quan hô hấp phụ (tra, trê, rô đồng…) thả với mật độ 5 – 10 con/m2. Thả cá đúng mật độ để cá lớn nhanh lớn đều, ít bệnh, rút ngắn được thời gian nuôi.

Sau khi thả giống ổn định 1 đến 2 ngày cần bổ sung loại thức ăn cho phù hợp với từng đối tượng cá nuôi và giai đoạn sinh trưởng phát triển của cá. Tăng cường kiểm tra, quan sát lồng, ao mới thả giống.

Thức ăn cho cá phải đảm bảo chất lượng, khẩu phần ăn. Cho cá ăn tuân thủ nguyên tắc “4 định” (định chất, định lượng, định vị trí, định thời gian). Tăng cường cho cá ăn vào buổi trưa và những ngày nắng ấm. Khi nhiệt độ xuống thấp dưới 180C thì không nên cho cá ăn.

Thường xuyên kiểm tra chất lượng nước như pH, màu nước, ôxy hòa tan… Luôn duy trì mực nước từ 2 – 2,2 m. 

Định kỳ 15 đến 20 ngày/lần vào sáng sớm hoặc chiều mát, sử dụng vôi bột hòa loãng với nước té đều mặt ao với để xử lý môi trường nước. Đối với nuôi lồng cần tích cực treo túi vôi hoặc viên nén TCCA tại các lồng để khử trùng khu vực lồng nuôi. Ngoài ra, định kỳ bổ sung Vitamin C theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá. Khi có hiện tượng cá chết cần tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời báo cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Vớt cá bệnh ra khỏi lồng bè, ao nuôi càng sớm càng tốt để tránh lây lan bệnh sang cá khỏe.

Hỏi: Cá bị nấm thủy mi thì cần xử lý như thế nào? Xin tư vấn biện pháp phòng bệnh hiệu quả?

(Nguyễn Hữu Long, xã Đức Long, thị xã Quế Võ (Bắc Ninh)

Trả lời:

Bệnh nấm thủy mi do một số loài nấm dạng hình sợi, bào tử nấm có tiên mao gây ra, với những biểu hiện trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày tại đó mọc lên các sợi nấm mảnh và phát triển lên thành từng búi nấm trắng như bông, 1 đầu sợi nấm bám vào da của cá, đầu kia tự do ngoài môi trường nước. Khi cá bị bệnh nấm thủy mi sẽ bơi lội không định hướng, ngứa ngáy cọ xát vào bờ hoặc là các vật dụng trong ao.

Bệnh hay phát triển ở các đàn cá bị thương tổn trên da do tác động đánh bắt, vận chuyển hay do ký sinh trùng ký sinh. Bệnh nấm thủy mi thường xuất hiện vào thời điểm có nhiệt độ thấp, như mùa đông, xuân ở miền Bắc hay mùa mưa ở miền Nam.

Khi phát hiện cá bị bệnh, cần có biện pháp sau: Tắm cho cá bằng hóa chất diệt nấm như dung dịch muối ăn, thuốc tím (KMnO4), Formaline… Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Đưa thuốc trực tiếp xuống lồng bè, ao nuôi với nồng độ:

–  Methylen với liều lượng 2 – 3 lít/1.000 m3 nước ao nuôi và lặp lại 2 lần trong 1 tuần.

– Iodine với liều lượng 1 lít/5.000 m3 nước ao nuôi hoặc xử lý bằng Vicato 1 kg cho 3.000 m3 nước ao.

– Dùng 500 – 700 g đồng Sunfat (phèn xanh)/1.000 m3 tạt đều khắp mặt ao nuôi. 

Để hạn chế mầm bệnh, trong quá trình nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp. 

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!