(TSVN) – Trong cuộc chiến dành sự ưu ái của người tiêu dùng đối với sản phẩm cá thịt trắng bình dân nhập khẩu, cá tra đông lạnh luôn thất thế trước đối thủ cạnh tranh là cá rô phi đông lạnh.
Theo Viện Nuôi trồng Thủy sản Quốc gia (NFI), trong 11 tháng đầu năm 2023, Mỹ nhập khẩu 187 triệu pound (tương đương 84.822 tấn) phile cá rô phi đông lạnh, cao hơn 13% so với tổng khối lượng cá tra đông lạnh.
Tuy Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) chưa công bố dữ liệu của tháng 12/2023, nhưng kết quả của cả năm cũng không nằm ngoài dự đoán với phần thắng nghiêng về rô phi – một kết quả đã trở thành truyền thống (ngoại trừ năm 2008).
Tháng 6/2023, NFI công bố bảng xếp hạng các hải sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, trong đó top 3 gồm có: tôm (5.9 pound/năm), cá hồi (3,38 pound/năm), cá ngừ đóng hộp (1,9 pound/năm). Rô phi đứng vị trí thứ tư với 1,04 pound/năm, tiếp theo là cá minh thái Alaska (0,78 pound/năm), cá tra (0,71 pound/năm), và cá tuyết (0,61 pound/năm).
Xét về lợi thế, rô phi hơn hẳn cá tra bởi “danh tiếng”. Tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu 2024 (GSMC) được tổ chức tại bang Florida trong 5 ngày (21 – 25/1/2024), ông Matthew Fass, Chủ tịch công ty nhập khẩu thủy sản Maritime Products International ở bang Virginia, Mỹ, cho biết khi ông thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với các sinh viên, hầu như ai cũng biết “cá rô phi”, trong khi chỉ một số ít nghe tới “cá tra”.
Tuy vậy, lợi thế của cá tra lại nằm ở chỗ giá rẻ hơn! Trước kia giá bán sỉ cá tra và rô phi đều tương đương nhau, nhưng gần đây giá rô phi đông lạnh có phần cao hơn. Theo dữ liệu từ Urner Barry, ngày 25/1/2024, phile rô phi đông lạnh loại 3-5 ounce có giá 2,55-2,70 USD, trong khi cá tra chỉ có 1,8-2,00 USD, rẻ hơn 35-42%.
Ý kiến cá nhân của ông Matthew Fass cho rằng cả hai loại cá này đều sẽ tìm được chỗ đứng và các cơ hội phát triển riêng.
Hiện nay thế giới đang tiêu thụ một lượng lớn cá rô phi, với tỷ lệ tăng trưởng từ năm 2010 đến 2021 đạt 5,4%. Dự báo sản lượng rô phi năm 2024 có thể đạt 7 triệu tấn, tăng 5,0% so với năm 2023 và tăng 13% so với 5 năm trước. Mặc dù tốc độ tăng trưởng không còn mạnh mẽ, chỉ tăng khoảng 2,4%, nhưng Trung Quốc vẫn là nguồn cung rô phi lớn nhất thế giới. Việt Nam đứng thứ hai. Trong khi Indonesia có tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng, 10,4% từ 2010 đến 2021.
An Vy (Theo Undercurrentnews)