(Tạp chí Thủy sản VN) – Tận dụng mặt nước của khu đìa rộng mênh mông trong địa phương mình, các anh Minh, Thắng và Xuân (phường Cam Nghĩa, thị xã Cam Ranh, Khánh Hòa) đã đắp bờ chia nhỏ tạo thành các ao nuôi cá chẽm. Trong khi hầu hết các loài thủy sản nuôi khác đều bấp bênh thì nghề nuôi cá chẽm thương phẩm luôn mang lại lợi nhuận khá cao và đặc biệt là rất ổn định.
Chung tình cùng cá chẽm
Đang giăng lưới đánh cá, anh Minh hồ hởi nói vui với tôi: Con cá chẽm ngó vậy mà chung tình với mấy anh em chúng tôi lắm. Trước kia chúng tôi chỉ biết đi biển sống qua ngày. Sau đợt bão tàu mất còn ba anh em may mắn sống sót nhưng cũng ngại đi biển. Tình cờ anh Thắng nghe người ta nói đến việc nuôi cá chẽm nên mấy người cũng thử. Ban đầu khó khăn lắm vì ở đây đìa nước hoang sơ toàn cỏ lau lách không hà. Phải mất mấy tháng trời chúng tôi mới làm được 2 ao nuôi cá. Ban đầu ủy ban họ cho mượn vốn để mua con giống. Mà cũng nhanh thật, mới đó đã hơn chục năm rồi, ngần ấy thời gian ăn, ngủ, sống… cùng cá chẽm đó. Nói đến đó cả ba anh đều cười, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt rám nắng vì nắng gió biển quanh năm.
Tìm hiểu kỹ hơn về nghề nuôi cá chẽm, được biết: Ao nuôi cá phải có độ sâu khoảng 1,5m đổ lại và đặc biệt là có thể luôn luôn thay nước được để nước trong ao lúc nào cũng sạch sẽ. Chú ý nữa là trước khi nuôi cần làm vệ sinh ao nuôi sạch sẽ và độ pH trong môi trường cá sống trung bình từ 7,5 đến 8,5. Do cá chẽm là loài cá dữ ăn thịt nên chúng có thể ăn lẫn nhau, nhất là khi còn nhỏ. Vì vậy người nuôi cá thường xuyên phải san bớt cá vào các lồng hay ao để nuôi với các chế độ khác nhau. Thông thường mật độ nuôi cá vào khoảng 4 đến 5 ngàn con/ha.
Kinh nghiệm nuôi cá chẽm, anh Xuân cho biết: "Đầu tiên là chuẩn bị con giống, mình mua cá con chỉ như hạt dưa rồi về ương ở lồng khi chúng dài khoảng 10cm thì mới bắt đầu thả ao và nuôi. Thức ăn chủ yếu là cá tạp nhỏ mua ở cảng cá của ngư dân về đem chặt khúc thả xuống ao.
Thu hoạch cá chẽm ở Cam Ranh
Mô hình cần nhân rộng
Sau mẻ lưới anh Minh lên bờ ngồi châm điếu thuốc và nói chuyện với chúng tôi, anh bảo: Dạo này cá chẽm đang được giá đấy, cá chỉ khoảng 7 đến 8 lạng/con mà người ta mua với giá hơn 60.000 đồng/kg. Tôi vui lây, hỏi đợt xuất này mấy anh lời lãi ra sao? Anh Minh cười rõ tươi, nói đầu năm mỗi người góp vốn 40 triệu đồng nay cứ đà này chắc thu về tầm hơn trăm triệu một người.
Nhìn những thùng phuy cỡ bự đựng cá chẽm ướp đá đang được tư thương hối hả mang đi chúng tôi hỏi sao họ mua nhiều thế. Anh Minh nói: Giờ có bao nhiêu cá họ cũng mua hết. Cá chẽm bây giờ không phải bán lẻ như ngày xưa đâu, họ mang vào nhà máy làm cá phi lê xuất khẩu. Dân ở đây người ta đổ xô nuôi cá chẽm. Các anh đi dọc đường này thấy các ao nuôi thì toàn ao cá chẽm cả đấy.
Theo những người đang thu mua cá ở đây thì, nguồn cá thịt hiện nay đang thiếu do cá phi lê xuất khẩu sang thị trường nước ngoài cần nhiều. Còn theo chị Tám (chủ thu mua cá) thì năm nay giá cả luôn ổn định và ở mức cao. Nói chung ở Cam Ranh người ta nuôi cá chẽm nhiều mà nhà nào cũng có lãi cả. Chứ như nuôi tôm, có vụ thắng cả tiền tỷ rồi mấy vụ sau lại lỗ tối mắt, như đánh bạc, nông dân họ không ham. Cá chẽm lãi không nhiều như tôm nhưng được cái ổn định. Giống thì có sẵn ở đây luôn, bà con chỉ việc nuôi mà không phải lo lắng gì nhiều. Có nhà nuôi cá chẽm cả chục năm mà chẳng lỗ vụ nào.
Theo ước tính chỉ riêng thị xã Cam Ranh có hàng trăm ha diện tích ao nuôi cá chẽm và đây thực sự là hướng đi đúng đắn cho nhiều hộ nông dân Khánh Hòa nói chung. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình nuôi cá chẽm này cũng cần phải có những điều kiện tự nhiên thích hợp vì thực tế cho thấy cá chẽm chủ yếu sinh trưởng và phát triển mạnh ở môi trường nước lợ.
>> Cá chẽm rất háu ăn và ít bị bệnh. Vì vậy chúng nhanh lớn, chất lượng đồng đều. Thịt cá thơm ngon nên thị trường rất ưa chuộng. Thường thì sau 7 hay 8 tháng là bắt đầu bán cá.
ĐOÀN ĐẠI TRÍ