(TSVN) – Sau năm 2022 tăng trưởng mạnh, nguồn cung tôm toàn cầu năm 2023 ước giảm 0,4%, mở ra triển vọng lạc quan hơn trong năm 2024 với mức tăng trưởng dự kiến 4,8%.
Ảnh: Shutterstock
Năm nước sản xuất tôm hàng đầu trong năm 2023, theo xếp hạng của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), gồm Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, chiếm 74% trong tổng số 5,6 triệu tấn tôm toàn cầu. Ở thứ hạng thấp hơn, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar và các nước khác sẽ đóng góp 840.000 tấn, trong khi Mỹ Latinh gồm Brazil, Mexico và Venezuela sẽ bổ sung 500.000 tấn vào sản lượng tôm toàn cầu năm 2023.
Theo ước tính của GAA, sản lượng tôm thẻ chân trắng (TTCT) của Ecuador năm 2023 giảm nhẹ so năm 2022 nhưng vẫn cán mốc 1,49 triệu tấn và có nhiều khả năng tiếp tục tăng trưởng vào năm 2024. Sau khi đạt mức tăng trưởng mạnh 16% về sản lượng vào năm 2022, tốc độ tăng trưởng sản lượng năm 2023 và 2024 dự kiến ở mức 14%/ năm. GAA dự báo sản lượng TTCT Ecuador năm 2024 có thể vượt 1,5 triệu tấn. Ngành tôm Ecuador phát triển vượt bậc sau khi nhiều trang trại chi nhiều khoản đầu tư khủng cho cải tiến di truyền, công nghệ nuôi, đặc biệt là máy cho ăn tự động và sục khí cơ học, bên cạnh các chiến lược liên kết dọc toàn ngành tôm. Cùng với Ấn Độ, chi phí sản xuất tôm tại Ecuador đang giữ kỷ lục thấp nhất thế giới ở mức 2,2 – 2,4 USD/kg.
TTCT chính thức du nhập vào Ấn Độ năm 2009 và nhanh chóng gia tăng cả diện tích lẫn sản lượng. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh và cạnh tranh từ các nước khác, sản lượng TTCT của nước này có phần suy giảm. Theo đánh giá của Rabobank Hà Lan, Ấn Độ là nước sản xuất tôm lớn thứ hai thế giới với sản lượng 900.000 tấn vào năm 2022. Tuy nhiên, sản lượng tôm năm 2023 dự kiến giảm xuống mức 600.000 – 700.000 tấn. Giá xuất khẩu tôm ẤnĐộgiảm15-20%dosứcmuayếu,điển hình là Trung Quốc và Mỹ. Nông dân nuôi tôm Ấn Độ đã cắt giảm diện tích nuôi và sản lượng vụ thứ hai liên tiếp do giá thấp và các vấn đề dịch bệnh.
Dữ liệu chính thức từ Fishery Statistical Yearbook, sản lượng TTCT ven biển Trung Quốc đạt 900.000 tấn vào năm 2014 và tăng lên 1,3 triệu tấn vào năm 2021. Năm tỉnh dẫn đầu về sản xuất TTCT gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Sơn Đông, Phúc Kiến và Giang Tô, với tổng sản lượng 1,6 triệu tấn vào năm 2021. Con số này gồm TTCT nuôi nước ngọt (độ mặn dưới 5 ppt) với sản lượng 300.000 tấn vào năm 2021. Dự kiến, trong năm 2023, sản lượng tôm sú và TTCT của Trung Quốc có thể vượt mức 1 triệu tấn. Trong đó sản lượng TTCT của Trung Quốc đạt khoảng 1,5 triệu tấn trong nước mặn và khoảng 0,5 triệu tấn trong nước ngọt (độ mặn thấp). Hệ thống nuôi tôm ở Trung Quốc được phân làm 4 loại gồm ao đất, ao xi măng, nhà màng và tuần hoàn kín RAS.
Từ năm 2001, TTCT đã được đưa vào Việt Nam ở mức độ nuôi thử nghiệm. Đến năm 2006, Bộ NN&PTNT cho phép nuôi TTCT từ Quảng Bình đến Bình Thuận và được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Nam vào năm 2008. Cả diện tích và sản lượng TTCT của Việt Nam tăng đều qua các năm. Theo Bộ NN&PTNT, năm 2023, sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 1,12 triệu tấn (tăng 5,5% so cùng kỳ năm 2022 – 1,06 triệu tấn), trong đó sản lượng TTCT đạt 845 nghìn tấn.
Theo Bộ Hàng hải và Thủy sản Indonesia (KKP), Indonesia sẽ mở rộng diện tích nuôi TTCT tại một số tỉnh gồm Waingapu, Sumba, Nusa Tenggara, Aceh, Lampung… với tổng diện tích lên đến 1.800 ha nhằm đạt mục tiêu sản lượng 2 triệu tấn vào năm 2024. Trong năm 2023, Indonesia đã phát triển vùng nuôi TTCT rộng 60 ha tại Kebumen.
KKP dự tính sẽ tái sinh thêm nhiều vùng nuôi ở đông Aceh, đông Lampung, Sumbawa, Mamuju, Muna và bắc Morowali. Tính đến tháng 11/2023, sản lượng tôm của Indonesia đạt 1,097 triệu tấn. Tuy nhiên, chính phủ nước này chỉ phê duyệt khối lượng xuất khẩu TTCT trong quý III/2023 là 43.138 tấn, giảm 11% so cùng kỳ.
Tuấn Minh (Tổng hợp)
Đề nghị bộ nông nghiệp và cục các bạn ngành có liên quan cần quảng lý về con giống, giá thức ăn, thuốc thủy sản để ngành Tôm của Việt Nam đạt năng suất cao hơn nữa. Trân trọng.