Kinh nghiệm nuôi tôm hai giai đoạn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Xin tư vấn phương pháp san tôm trong mô hình nuôi tôm hai giai đoạn?

(Phan Thái Thanh, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:

Thời điểm chuyển tôm phù hợp là giai đoạn tôm khoảng 20 – 25 ngày, lúc tôm đạt trọng lượng 800 – 1.000 con/kg. Tiến hành chuyển tôm vào thời gian sáng sớm hoặc chuyển mát, tốt nhất là trước 8 giờ sáng và sau 4 giờ chiều; lựa chọn thời điểm sang tôm lúc tôm đang ăn khỏe, gan tôm có màu nâu đen, đường ruột lớn, không bị đứt khúc, khi kéo nhá kiểm tra thấy tôm tập trung nhiều ở nhá, búng nhảy mạnh khi kéo nhá lên khỏi mặt nước. Các thông số chất lượng nước như pH, độ kiềm, độ mặn….. trong ao nuôi giai đoạn 2 tương đồng với chất lượng nước trong ao nuôi giai đoạn 1, lựa chọn thời điểm tôm cứng vỏ để chuyển tôm; trước khi tiến hành chuyển tôm 2 – 3 ngày cần tăng cường bổ sung các loại vitamin, Beta -Gluncan, khoáng, men tiêu hóa giúp tăng cường sức đề kháng và hạn chế stress cho tôm. Ngưng cho tôm ăn 3 – 5 tiếng trước thời điểm tiến hành chuyển tôm.

Đối với các hệ thống nuôi mới, được thiết kế theo quy trình nuôi 2 giai đoạn, chỉ cần rút ống thoát đã được thiết kế từ trước, tôm từ ao ương sẽ theo đó mà sang ao nuôi giai đoạn 2. Đối với các ao nuôi không thiết kế hệ thống ống ngầm, có thể sử dụng các dụng cụ để chuyển tôm như: rạp xếp, lú, lưới kéo, thau, giỏ…; sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ để kéo tôm hoặc đặt lú, bát quái để chuyển tôm, trường hợp kéo lưới, cần kéo từng đoạn ngắn, sau đó chuyển tôm đi, tránh để tôm vô lưới nhiều, dễ bị ngộp. Trường hợp đặt lú, bát quái, không nên để thời gian quá lâu, tránh trường hợp tôm bị ngộp do vào quá nhiều;

Sau 3 – 5 đợt chuyển tôm thả sang ao mới nên bổ sung khoáng, Vitamin C, Yucca, nhằm chống sốc cho tôm, ổn định các thông số môi trường, tăng cường sục khí trước, trong và sau quá trình chuyển tôm.

Sau khi chuyển tôm sang giai đoạn 2, cần tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng, men vi sinh liệu lượng 5 g/kg thức ăn hoặc tạt Yucca với liều lượng 0,5 lít/1.000 m3, tạt trực tiếp xuống ao nhằm sớm ổn định môi trường trong ao cũng như hạn chế tôm bị stress. Sau khoảng 8 – 12 giờ kể từ khi chuyển tôm mới bắt đầu cho ăn, ngày đầu tiên cho ăn, nên cho tôm ăn khoảng 80% lượng thức ăn so với thông thường, sau đó theo dõi sức ăn của tôm để từ từ điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Hỏi: Trong nuôi tôm hai giai đoạn, cần chuẩn bị hệ thống ao như thế nào?

(Nguyễn Văn Hải, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận)

Trả lời:

Ao lắng thô: lấy nước từ mương cấp qua ống lọc có gắn túi lọc 2 lớp, dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên… bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Ao lắng thô được bố trí cạnh mương cấp nước; có độ sâu từ 2 – 3 m (tùy điều kiện thổ nhưỡng) và diện tích chiếm khoảng 20% tổng diện tích khu nuôi.

Ao lắng tinh: Lấy nước từ ao lắng thô qua ống lọc có gắn túi lọc 2 lớp, dùng để trữ nước và tự làm sạch tự nhiên… bảo đảm hạn chế tối đa các mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Ao lắng tinh được bố trí cạnh ao lắng thô, được lót bạt (nếu có điều kiện), có diện tích và độ sâu như ao lắng thô.

Ao ương: Lấy nước từ ao lắng tinh qua ống lọc có gắn túi lọc 2 lớp, dùng để  ương tôm từ giai đoạn Post 10 – 12 đến khi tôm đạt kích cỡ 1.000 – 2.000 con/kg. Ao ương được bố trí cạnh ao lắng tinh; có độ sâu 1,5 – 1,8 m (tùy điều kiện thổ nhưỡng); đáy ao được thiết kế bằng mặt bờ của ao nuôi; có hệ thống ống sang tôm, hệ thống ôxy đáy, hệ thống quạt nước, hệ thống lưới che; được lót bạt đáy và bạt bờ. Diện tích chiếm khoảng 5% tổng diện tích ao nuôi.

Ao nuôi: Lấy nước từ ao lắng tinh qua ống lọc có gắn túi lọc 2 lớp, dùng để   nuôi tôm thương phẩm. Vị trí ao nuôi được bố trí cạnh ao ương và không quá xa ao lắng tinh. Ao có độ sâu từ 1,5 – 2 m (tùy điều kiện thổ nhưỡng); được lót bạt đáy và bờ; có hệ thống ôxy đáy, hệ thống quạt nước, máy cho ăn tự động (nếu có); hệ thống xi phông. Diện tích ao chiếm khoảng 30% tổng diện tích khu nuôi (diện tích mỗi ao nuôi có thể từ 1.000 – 6.000 m2).

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!