(TSVN) – Theo Cơ quan Hải quan Nhật Bản, năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản đạt 1,86 triệu tấn, trị giá 1.869 tỷ Yên (tương đương 12,5 tỷ USD), giảm 4,8% về lượng và giảm 5,2% về trị giá so với năm 2022.
Năm 2023, nhập khẩu hầu hết các mặt hàng thủy sản vào Nhật Bản giảm so với năm 2022, trừ nhập khẩu cua, cá hồi, cá trình tăng về lượng. Trong đó, cá ngừ là mặt hàng thủy sản nhập khẩu nhiều nhất của Nhật Bản trong năm 2023, đạt 596,3 nghìn tấn, trị giá 612,5 triệu USD (tương đương 4,1 tỷ USD), giảm 4,8% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so với năm 2022. Giá nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản năm 2023 trung bình ở mức 6,9 USD/kg, tăng 1,3% so với năm 2022. Năm 2023, tôm là mặt hàng Nhật Bản giảm nhập khẩu mạnh nhất, giảm 9,4% về lượng, đạt 212,4 nghìn tấn. Giá nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm 2023 trung bình ở mức 9,6 USD/kg, giảm 1,4% so với năm 2022.
Sản phẩm tôm chế biến được ưa chuộng tại thị trường Nhật Bản. Ảnh: ST
Năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản từ hầu hết các thị trường giảm so với năm 2022, trừ nhập khẩu từ Mỹ, Indonesia và Hàn Quốc tăng về lượng so với năm 2022. Mặc dù Việt Nam giữ vững vị trí là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Nhật Bản, nhưng là thị trường có mức giảm về lượng lớn thứ 2 sau Nga, giảm 13,2% so với năm 2022, đạt 132 nghìn tấn. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản giảm từ 7,8% năm 2022 xuống còn 7,1% trong năm 2023.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 đạt 2,1 triệu tấn, trị giá 8,97 tỷ USD, giảm 8% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu hầu hết các chủng loại thủy sản của Việt Nam giảm so với năm 2022, trừ xuất khẩu mắm, hàu, cá sống, ruốc… tăng. Năm 2023, xuất khẩu tôm các loại của Việt Nam đạt 384,4 nghìn tấn, trị giá 3,35 tỷ USD, giảm 13,3% về lượng và giảm 21,6% về trị giá so với năm 2022. Tỷ trọng tôm trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2023 giảm cả về lượng và trị giá so với năm 2022.
Trong năm 2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản gặp khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường giảm, đạt 56,96 nghìn tấn, trị giá 513,2 triệu USD, giảm 16,7% về lượng và giảm 22,7% về trị giá so với năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đã có tín hiệu phục hồi khi tăng nhẹ trong tháng 12/2023. Tại thị trường này, tôm Việt Nam vẫn giữ được khả năng cạnh tranh. Người tiêu dùng Nhật Bản yêu cầu sản phẩm phải ngon, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, trong khi trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu đó. Các sản phẩm tôm chế biến từ Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản như tôm bao bột, tôm duỗi, tôm chiên, tôm sushi…
Hiện, sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng chiếm 40 – 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp tôm Việt thuộc mức cao trên thế giới và đây là một lợi thế cạnh tranh lớn. Tôm Việt Nam đã vươn lên, chiếm lĩnh các thị trường, thị phần tôm cao cấp, nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Australia…
>> Người tiêu dùng ngày càng tiết kiệm thời gian, nên các sản phẩm tiện lợi, dễ chế biến ngày càng được chú ý. Khi tăng trưởng sản lượng nuôi trồng chỉ có giới hạn, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng sẽ là xu thế, giúp đạt được các mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu trong tương lai.
Ngọc Diệp