(TSVN) – Thời điểm này, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, nhiều doanh nghiệp, người nuôi tôm bắt đầu sửa sang lại hệ thống ao hồ để thả giống vụ mới. Do đó, ngành chức năng đã có những khuyến cáo phù hợp nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, tăng tỷ lệ thành công vụ nuôi.
Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm tại Quảng Nam phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao; việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được người dân quan tâm, là tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững hơn. Năm 2023, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh là 2.660 ha, sản lượng đạt 17.920 tấn.
Người dân chú trọng vào quá trình cải tạo ao nuôi. Ảnh: Việt Nguyễn
Vừa qua, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã ban hành lịch mùa vụ nuôi thủy sản năm 2024. Theo đó, nuôi tôm nước lợ ở vùng triều ven sông thuộc TP Hội An, TP Tam Kỳ, thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên, Thăng Bình và một số vùng nuôi thuộc huyện Núi Thành bắt đầu từ ngày 15/2/2024. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo các hộ nuôi tôm thu hoạch vào cuối tháng 8/2024 để tránh tác động xấu của mưa, lũ lụt, bão vào cuối năm.
Đối với các vùng nuôi tôm thuộc xã Tam Anh Nam, Tam Anh Bắc, Tam Hòa, Tam Tiến, Tam Giang, Tam Hải (Núi Thành), xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) thời gian thả giống từ tháng 1/2024 và thu hoạch cuối tháng 9/2024. Đối với nuôi tôm trên cát, nông hộ có thể nuôi quanh năm đi kèm với các giải pháp tránh tác hại của thời tiết, thiên tai.
Theo ông Trần Quảng Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ thủy sản, Chi cục Thủy sản Quảng Nam, những năm qua, nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh luôn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, dịch bệnh là thách thức nghiêm trọng nhất. Vì vậy, trước vụ nuôi, ngành thủy sản phối hợp với các địa phương tuyên truyền người nuôi xử lý vệ sinh ao nuôi hiệu quả, xử lý nước sạch trước khi cho vào ao nuôi và khuyến cáo chỉ nên thả nuôi tôm giống đã được kiểm định chất lượng.
Nhiều ngày qua, phần lớn ao nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã được người dân cải tạo kỹ càng. Sau một năm sản xuất 2 vụ, nhiều chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh… tích tụ ở đáy ao. Nếu quá trình cải tạo ao nuôi không tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tấn công tôm nuôi. Đặc biệt, để hạn chế dịch bệnh, không ít nông dân đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng an toàn sinh học. Thay vì dùng kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm, người dân đã ưu tiên dùng các chế phẩm sinh học để giúp tôm cân bằng hệ tiêu hóa, tăng sức đề kháng, lớn nhanh.
Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết, định hướng phát triển nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh là bền vững, tăng giá trị kinh tế thu được cho người dân. Do đó, để đạt hiệu quả cao nhất, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền thanh tra, kiểm tra các cơ sở, đại lý kinh doanh các loại vật tư phục vụ nuôi tôm nhằm hạn chế các loại thức ăn, hóa chất, thuốc thú y không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng không tốt đến tôm nuôi.
Khuyến khích người nuôi tôm hợp tác với nhau thành lập các tổ cộng đồng nuôi tôm để chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi, thúc đẩy nuôi tôm an toàn và có trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm áp dụng các quy trình sản xuất hiệu quả như nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm VietGAP, nuôi tôm hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức liên kết sản xuất, giảm các khâu trung gian trong cung ứng con giống, thức ăn, vật tư đầu vào để giảm chi phí; thực hiện quy trình nuôi nhiều giai đoạn và thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm, thực hiện cải tạo ao đầm nuôi kỹ lưỡng để loại bỏ mầm bệnh trong ao, quản lý điều kiện môi trường ao nuôi và sức khỏe tôm nuôi thường xuyên…
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ chú trọng hơn nữa quan trắc cảnh báo môi trường nuôi tôm nước lợ để vừa hướng dẫn sản xuất hiệu quả hơn vừa phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi.
Nguyễn Hằng