(TSVN) – Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, kiểm tra và xác minh rõ tình trạng tàu cá mất kết nối qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS) trên 6 tháng.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện có 4.375 tàu cá chiều dài từ 15 m trở lên của 29 tỉnh, thành phố trên cả nước không duy trì kết nối VMS trên 6 tháng, trong đó, nhiều nhất là tỉnh Quảng Ngãi với 911 tàu, Bình Định 555 tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu 441 tàu…
Xử lý nghiêm minh, triệt để theo quy định của pháp luật các tàu cá vi phạm quy định về VMS. Ảnh: Tân Thắng.
Cùng đó, có 72 tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên của 11 tỉnh, thành phố không duy trì kết nối VMS trên biển trên 10 ngày chưa xử phạt, trong đó, Nghệ An nhiều nhất với 22 tàu, Quảng Ngãi 18 tàu; 7 tàu cá của 3 tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Kiên Giang có chiều dài từ 24 m trở lên vượt ranh giới trên biển, trong đó, riêng tỉnh Kiên Giang có 4 tàu; 15.198 tàu cá của 28 tỉnh, thành phố chưa đăng ký tại các địa phương, trong đó, tỉnh Bình Thuận có 1.868 tàu, Kiên Giang có 1.465 tàu, Quảng Ninh 1.348 tàu.
Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển về việc thực hiện một số nội dung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Trong đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra và xác định rõ tình trạng tàu cá (đang ở đâu, đang hoạt động hay nằm bờ, chủ sở hữu, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác) mất kết nối qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá trên 6 tháng, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên.
Xác minh thông tin để xử lý nghiêm minh, triệt để theo quy định của pháp luật các tàu cá vi phạm quy định về VMS, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên; tàu cá vượt ranh giới trên biển; tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định đối với các tàu cá chưa đăng ký tại địa phương; không để phát sinh tình trạng tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản hoạt động tại địa phương,
Cùng đó, tăng cường nguồn lực để triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác, nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm minh bạch thông tin, kết nối dữ liệu liên thông phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thúy ản khai thác; cập nhật dữ liệu hàng ngày lên các cơ sở dữ liệu quản lý nghề cá: thông tin tàu cá lên cơ sở dữ liệu quốc gia ngành thủy sản (VSFishBase); kết quả xử phạt hành chính lên phần mềm xử lý vi phạm hành chính; nhật ký khai thác thủy sản, sản lượng bốc dỡ qua cảng, giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng, giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy SC), giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (giấy CC) lên Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử; danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU lên cơ sở dữ liệu VMS… theo hướng dẫn của Cục Thủy sản.
Đồng thời, tập trung nguồn lực thực hiện quản lý tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra, vào cảng để phát hiện và xử lý triệt để các trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp tại địa phương.
Phạm Thu