(TSVN) – Là một trong những quốc gia cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu, Australia từ lâu đã đi đầu trong phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (Climate- Smart Agriculture – CSA) dựa trên năng lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm cũng như các lĩnh vực liên quan khác. Việc hợp tác song phương Australia – Việt Nam về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành tôm và lúa gạo sẽ tạo tiền đề và động lực mới cho các ngành hàng này phát triển bền vững.
Ngày 27/2 vừa qua, Chương trình Đối tác Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu Australia – Việt Nam (AVEG), tổ chức bởi Beanstalk AgTech (một công ty tư vấn nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong nông nghiệp và thực phẩm trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương) với sự hỗ trợ của tổ chức Mekong Business Initiative (MBI) và được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT); đã công bố Báo cáo Hợp tác song phương Australia – Việt Nam về nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành tôm và lúa gạo.
Theo bà Lily Tao, Giám đốc Dự án của Beanstalk AgTech, mặc dù ngành lúa gạo và tôm mang lại sinh kế cho hàng triệu nông dân Việt Nam nhưng ngành này cũng đang phải đối mặt với những rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra, liên quan đến mực nước biển dâng cao và lượng mưa thất thường. Do đó, hướng tiếp cận thông qua CSA là một giải pháp giảm thiểu những rủi ro trên. Mặt khác, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, do đó, cách tiếp cận theo hướng CSA cùng những thực hành và công nghệ mang lại nhiều khả năng tiếp cận và cơ hội mở rộng thị trường, đặc biệt là ở các thị trường khó tính như EU và Bắc Mỹ…
Báo cáo đã nêu bật những cơ hội quan trọng để chuyển đổi ngành nông nghiệp sang một hệ sinh thái thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực tôm và lúa gạo, tập trung vào việc thúc đẩy những nỗ lực hợp tác giữa Việt Nam và Australia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi này. Một số điểm nổi bật trong báo cáo này bao gồm: Cách tiếp cận theo hướng CSA, đi kèm theo đó là việc thực hành một loạt các hoạt động và công nghệ có mục tiêu, nhằm hướng đến thúc đẩy chuyển đổi các hệ thống nông nghiệp và lương thực để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng trên toàn cầu trong bối cảnh phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận này dựa trên ba trụ cột chính: Tăng năng suất và thu nhập một cách bền vững, tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu, và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Được biết, các doanh nghiệp Việt Nam và Australia trong ngành tôm, lúa gạo… sẽ có cơ hội đẩy mạnh hợp tác, đầu tư thông qua chuyến thăm và học tập về nông nghiệp thông minh. Dự kiến, chuyến thăm sẽ diễn ra tại Việt Nam từ ngày 18 – 22/3/2024 và tại Australia từ ngày 6 – 10/5/2024. Thông qua việc tham dự chương trình này, các doanh nghiệp trong ngành tôm, lúa gạo giữa Việt Nam và Australia sẽ có cơ hội hợp tác, đầu tư thông qua chuyến thăm và học tập về nông nghiệp thông minh.
Các doanh nghiệp tham dự chương trình sẽ được đến thăm các trang trại, tổ chức hoặc viện nghiên cứu hàng đầu để hiểu rõ hơn về những thách thức trong vấn đề bền vững cũng như tìm hiểu về giải pháp tiên tiến của ngành. Doanh nghiệp có thể đưa ra các ý tưởng thực hiện dự án bằng cách tham gia các hội thảo giúp tìm kiếm các giải pháp tiềm năng cho những thách thức chính trong lĩnh vực lúa gạo và tôm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội thúc đẩy mối quan hệ đối tác bằng cách gặp gỡ các bên liên quan cấp cao được chọn từ khu vực công và tư nhân, tìm kiếm các khả năng hợp tác và đầu tư.
Chia sẻ tại buổi thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối Thịnh vượng chung (CSIRO) ngày 8/3 mới đây; Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, các mô hình phát triển nông nghiệp của Việt Nam đều gắn với chuyển đổi xanh. Việc hợp tác giữa Việt Nam và CSIRO giúp giải quyết các thách thức trong lĩnh vực nông nghiệp mà Việt Nam đang đối mặt. Thời gian tới, Việt Nam mong tập trung hợp tác vào chuẩn hóa trong lĩnh vực nông sản, nhất là cá tra và tôm mà Việt Nam đang dẫn đầu thế giới, gắn ngành này với xu thế của thế giới là ít phát thải và chuyển đổi xanh, do đó mong muống CSIRO hỗ trợ Việt Nam.
Vân Anh