(TSVN) – Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 2/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2023, sau mức tăng mạnh 65,1% của tháng 1/2024.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 185,96 nghìn tấn, trị giá 749,79 triệu USD, tăng 73,2% về lượng và tăng 65,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 1/2024, xuất khẩu hầu hết các chủng loại thủy sản của Việt Nam tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực là tôm các loại và cá tra, cá basa có mức tăng trưởng cao nhất.
Xuất khẩu tôm hứa hẹn nhiều bứt phá ở các thị trường. Ảnh: TTXVN
Xuất khẩu tôm các loại của Việt Nam tháng 1/2024 đạt 29 nghìn tấn, trị giá 239,36 triệu USD, tăng 78,8% về lượng và tăng 71,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều nhà mua hàng ở Trung Quốc đánh giá tôm Việt Nam có chất lượng cao hơn Ecuador, Ấn Độ nên chấp nhận giá cao hơn. Hiện các chuyên gia ngành hàng nhận định hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam năm nay sẽ hồi phục tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm tăng trưởng. Trong đó, nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ tôm trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU và Nhật Bản dự kiến sẽ tăng tốc phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Xuất khẩu cá tra, basa tăng tới 119,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá so với tháng 1/2023, đạt 78,3 nghìn tấn, trị giá 164,67 triệu USD. Theo VASEP, 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đã có tín hiệu tốt, đạt khoảng 365 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đến từ các thị trường nhỏ như Anh, Canada, Mexico, đặc biệt Brazil. Theo các doanh nghiệp, năm 2023 xuất khẩu cá tra ít khởi sắc nhưng những tháng đầu năm 2024, thị trường suôn sẻ trở lại vì các nước bắt đầu đặt đơn hàng lớn. Nhiều doanh nghiệp cá tra cho biết, các khách hàng tiềm năng ở Mỹ đã “kết nối lại” đặt hàng cá tra fillet sau gần một năm ảm đạm.
Xuất khẩu các mặt hàng thủy sản lớn tiếp theo như cá ngừ, mực, chả cá… đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU tiếp tục bứt phá so với cùng kỳ năm 2023, với mức tăng 96%, đạt hơn 17 triệu USD. Tháng 1/2024, cá ngừ của Việt Nam đã xuất được sang 21 nước thành viên của EU. Trong đó, Italy, Đức và Hà Lan vẫn là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam. Hiện xuất khẩu sang cả 3 thị trường kể trên đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ.
Theo VASEP, các thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia là những nước có tín hiệu nhập khẩu khả quan. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt. Hiện thị trường còn nhiều khó khăn, thách thức mới nhưng những con số tăng trưởng cao trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn mang lại sự kỳ vọng tích cực, hy vọng nửa cuối năm giá bán sẽ tốt hơn khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu của các thị trường hồi phục.
Tuy nhiên, thẻ vàng IUU tiếp tục là thách thức, nếu không tháo gỡ được trong năm 2024 sẽ khiến xuất khẩu sang EU đình trệ. Những ngành hàng như cá ngừ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất… Cùng với đó, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trong nước lại gặp khó cả với nguyên liệu nhập khẩu vì những quy định liên quan IUU.
Với khởi đầu khả quan trong 2 tháng đầu năm 2024, cùng với kinh tế thế giới dần phục hồi, lạm phát giảm, tồn kho giảm…, kỳ vọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi tốt trong năm 2024, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm.
Ngọc Diệp