(TSVN) – Hàn Quốc có nhiều lợi thế trong áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến nông sản mà Việt Nam rất muốn hợp tác trong thời gian tới; đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại Hội thảo “Tầm nhìn hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030” do Bộ NN&PTNT cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức tại Hà Nội sáng 18/3.
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho hay Hàn Quốc là đối tác thương mại và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng hơn 150 lần, từ 0,5 tỷ USD vào năm 1992 lên 76 tỷ USD vào năm 2023. Hàn Quốc cũng là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký FDI đến hết 2022 đạt 81,997 tỷ USD, chiếm 18,24% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Về nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiếp nhận vốn ODA lớn nhất của Hàn Quốc….
Năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc. Ảnh minh họa
Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang Hàn Quốc tăng gấp 3 lần từ năm 2010 đến 2023. Năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu 51,57 tỷ USD các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 5, chiếm khoảng 5% trong tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hàn Quốc. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực, Việt Nam cũng là thị trường lớn thứ 4 của Hàn Quốc về xuất khẩu nông, lâm thủy sản, tăng trung bình 6,2%/năm.
Đối với mặt hàng thủy sản, năm 2023, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc đạt 1,341 triệu tấn, trị giá 5,928 tỷ USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 8,4% về trị giá so năm 2022. Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc trong năm 2023, thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc giảm từ 14,2% trong năm 2022 xuống còn 13,5% trong năm 2023. Dự báo, năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc phục hồi. Trong cơ cấu sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%. Cá các loại khác (trừ cá tra, cá ngừ) với kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba sang Hàn Quốc, chiếm 20,8%. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ sang Hàn Quốc lần lượt là cá ngừ, cá tra, cua ghẹ và giáp xác khác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nhuyễn thể khác (chiếm từ 0,3% đến 2,2%).
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định, tầm nhìn hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2024 – 2030 cần tập trung phát huy hơn nữa tiềm năng và lợi thế so sánh của hai bên. Đồng thời, cần đa dạng hóa các loại hình hợp tác từ hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ đến các hình thức đầu tư mới như đối tác công tư, liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị. Mặt khác, cần khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp và nâng cao chất lượng và giá trị thương mại nông lâm thủy sản giữa giữa hai nước.
Bà Lee Hye Jin, Đại học Konkuk (Hàn Quốc) chia sẻ, việc xây dựng tầm nhìn hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hai bên còn nhiều dư địa để khai thác. Môi trường chính sách, kinh tế Việt Nam và quốc tế đang có sự thay đổi, từ đó yêu cầu cần có một chiến lược hợp tác mới. Theo bà Lee, các lĩnh vực ưu tiên trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc theo tầm nhìn bao gồm chuỗi giá trị nông sản; phát triển nông thôn; ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh trong nông nghiệp; thương mại nông sản; nâng cao năng lực cho nông dân và các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
Vân Anh