(TSVN) – Nhiều năm nay, nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, kết quả sự tăng trưởng trong sản xuất và xuất khẩu ngành hàng này hàng năm đều ấn tượng. Để tiếp tục phát huy thế mạnh của kinh tế nông nghiệp, ngành hàng này đã và đang có được sự hợp tác và hỗ trợ rất lớn từ phía các ngân hàng, nhằm tăng tín dụng cho các doanh nghiệp và người nông dân.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Xét theo khối ngành kinh tế, tạm tính đến cuối năm qua, dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản tăng 6,95%.
Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực thủy sản, lúa gạo vùng ĐBSCL tháng 9/2023, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước cho biết: Dư nợ ngành thủy sản vùng ĐBSCL đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 8,5% và chiếm gần 59% dư nợ thủy sản toàn quốc; trong đó, dư nợ tín dụng đối với cá tra tăng 10,5%, đối với tôm tăng 8,8%. Dư nợ ngành lúa gạo đạt gần 103.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cuối năm 2022 và chiếm khoảng 53% dư nợ lúa gạo toàn quốc.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Nghiên cứu, đề xuất gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành sản xuất, chế biến lâm sản và thủy sản”. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1 – 2%/năm, so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, áp dụng trong từng thời kỳ.
Ngay sau đó, Chương trình đã được triển khai, thu hút 12 ngân hàng thương mại tham gia, nguồn vốn cũng tăng lên 15.000 tỷ đồng.
Từ tháng 7/2023, các ngân hàng đã kết nối, thông tin chi tiết đến khách hàng gói tín dụng này, đồng thời, điều chỉnh lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn.
Theo nhận định, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước triển khai dành riêng cho ngành lâm sản, thủy sản, nhằm gỡ “nút thắt” tài chính cho các doanh nghiệp, trở thành đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển của lâm sản, thủy sản. Đây được xem là gói vay ưu đãi đầy ý nghĩa và thiết thực, trong bối cảnh nền kinh tế vấp phải nhiều khó khăn.
Có thể nói, 2023 là năm mà ngành nông nghiệp vấp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng cũng là năm mà ngành hàng này nhận được nhiều ưu ái từ phía các ngân hàng.
Tháng 5/2023, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank), đã ký kết thỏa thuận hợp tác, về việc đẩy mạnh tín dụng và cung cấp các dịch vụ ngân hàng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn.
Trong hợp tác này, Agribank sẽ tham gia phối hợp, xây dựng các dự án, đề án liên quan do Bộ NN&PTNT quản lý, chủ trì, để cấp tín dụng theo quy định. Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp thông tin về các chương trình, dự án, đề án, giúp Agribank đánh giá, thẩm định và cung cấp các sản phẩm dịch vụ phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thỏa thuận hợp tác giữa Bộ NN&PTNT và Agribank nhằm phát huy tốt vai trò của mỗi bên, nhằm thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cũng theo Thứ trưởng Nam, ngoài đề án về vùng nguyên liệu, Bộ NN&PTNT tập trung triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng.
Cùng đó, Agribank và Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp, cũng đã ký kết chương trình phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), triển khai Đề án thí điểm Xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025.
Riêng về lĩnh vực thủy sản, một dự án lớn có trợ lực từ nguồn vốn vay ngân hàng, cũng đã chính thức được triển khai. Cụ thể, ngày 30/5/2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Quyết định số 592/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án phát triển thủy sản bền vững tại Bộ NN&PTNT, vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm, thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh.
Dự án gồm 7 tiểu dự án đầu tư xây dựng và các nội dung năng lực quản lý ngành thủy sản, quản lý dự án được chia làm 3 hợp phần; thời gian thực hiện là 6 năm kể từ thời điểm Dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn. Tổng vốn đầu tư Dự án: 115,6 triệu USD (tương đương 2.679.614.717 nghìn đồng). Trong đó: Vốn vay IBRD của WB 83,6 triệu USD (tương đương 1.938.471.938 nghìn đồng); Vốn viện trợ không hoàn lại của IDH và WWF 1,61 triệu USD (tương đương 37.321.410 nghìn đồng); Vốn đối ứng 703.821.370 nghìn đồng (tương đương 30,4 triệu USD). Dự án này sẽ được triển khai thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang.
Trọng tâm của Dự án sẽ tập trung vào lĩnh vực khai thác hải sản. Cụ thể, đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác hải sản gồm: Xây dựng, nâng cấp các cảng cá động lực thuộc các Trung tâm nghề cá lớn, các cảng cá loại I, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng theo hướng hiện đại, đồng bộ; Xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành kiểm ngư phục vụ khai thác, bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững; Tăng cường năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, chống khai thác IUU, quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản; Giảm tổn thất sau khai thác hải sản, giảm dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thích ứng với sự biến đổi khí hậu…
Hiện nay, theo đánh giá, nguồn tiền của các ngân hàng đang “dư dả”, trong khi nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh khá lớn, nhất là lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Việc tăng hợp tác giữa hai ngành này, được xem là sự tương hỗ tích cực, hai bên cùng có lợi.
Chính vì thế, các ngân hàng cũng rất “rộng rãi”, ưu tiên rót vốn cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các ngân hàng cho biết, với những dấu hiệu phục hồi tăng trưởng tốt như hiện nay, họ sẵn sàng mở rộng thêm hạn mức vay. Trong một hội thảo trong tháng 2/2024 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng gấp đôi so với ban đầu, gói tín dụng lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng, để tiếp tục đẩy mạnh giải ngân trong thời gian tới.
>> Theo báo cáo mới nhất của các ngân hàng, tính đến cuối năm 2023, chương trình cho vay 15.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đã giải ngân hoàn thành 100% mục tiêu, cho trên 6.000 lượt khách hàng vay vốn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng tốc độ giải ngân tốt, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận được. Một số doanh nghiệp không có đơn hàng, nghĩa là không đủ điều kiện vay theo dòng tiền. Một số lại nằm ngoài phạm vi triển khai.
Phan Thảo