Phú Yên phát huy lợi thế tôm thẻ chân trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

Tỉnh Phú Yên đang tập trung khắc phục tình trạng nuôi trồng thủy sản (NTTS) bị thua lỗ hoặc không lãi, trong đó chú trọng vực dậy nghề nuôi tôm vốn là một thế mạnh của địa phương những năm qua.

Hình thức chủ đạo

Phú Yên có vùng biển khoảng 6.900 km2, trong đó vùng bãi triều hơn 2.000 ha có khả năng nuôi tôm xuất khẩu. Với điều kiện tự nhiên sẵn có, nghề NTTS, trong đó có nuôi tôm, trở thành thế mạnh của tỉnh.

Năm 2012, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) 1.941 ha, giảm 11,2% trên 2.635 ha tổng diện tích NTTS ao đìa cả năm. Sản lượng 5.784 tấn, giảm 28,8% trên tổng sản lượng nuôi trồng thuỷ sản cả năm 7.934 tấn, giảm 20,4% so năm 2011; năng suất bình quân 3 tấn/ha.

Hiện, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phú Yên là 1.941 ha – Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Minh Phát, Phòng NTTS, Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết: Năm 2008 – 2009 nhiều hộ nuôi TTCT đã góp phần xóa đói giảm nghèo. Diện tích nuôi TTCT chiếm hơn 80% diện tích NTTS toàn tỉnh. Nuôi TTCT, kiểm soát con giống dễ dàng, tôm bố mẹ được kiểm duyệt nghiêm ngặt từ đầu vào, thời gian nuôi ngắn, sinh trưởng thuận lợi trong môi trường tự nhiên…

TTCT được nuôi nhiều tại Phú Yên từ năm 2005, tập trung tại các vùng nuôi chính như huyện Đông Hòa (1.000 ha) với mô hình nuôi của Công ty Asean Hawaii (50 ha), thị xã Sông Cầu (30 ha) với mô hình của Doanh nghiệp tư nhân Đắc Lộc, huyện Tuy An diện tích nuôi 205 ha. Năm 2008 – 2009, loại tôm này cho năng suất cao nhất (7 tấn/ha). Năm 2012, năng suất 4 – 4,5 tấn/ha. Năm nay, dự kiến diện tích thả nuôi toàn tỉnh 2.300 – 2.400 ha.

 

Mục tiêu năm 2013

Vụ nuôi năm nay, Phú Yên vận động nuôi tôm theo đúng quy hoạch, thực hiện tốt lịch thời vụ, cải tạo kỹ ao đìa, chọn thời điểm thả giống thích hợp từng vùng, từng đối tượng nuôi, xử lý tốt dịch bệnh khi xảy ra, tuyệt đối không xả thải bùn đáy ao và mầm bệnh ra kênh rạch khi chưa được xử lý. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi mới, nuôi bền vững, hướng dẫn biện pháp phòng trị bệnh trên tôm nuôi hiệu quả; đa dạng hoá đối tượng, hình thức nuôi. Dự kiến, diện tích NTTS năm nay khoảng 2.800 ha; trong đó, nuôi nước ngọt 300 ha, nước mặn và nước lợ 2.500 ha. Sản lượng NTTS phấn đấu đạt hơn 10.000 tấn.   

Để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, tạo năng suất và hiệu quả trong nuôi trồng, tỉnh cũng đề xuất các cơ quan chức năng thuộc Bộ và các tỉnh ven biển tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, môi trường NTTS và công tác phòng chống dịch bệnh. Sớm ban hành hướng dẫn phòng và trị bệnh hoại tử gan tụy trên tôm nuôi. Phối hợp các cơ quan chức năng trong tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống đối với hoạt động cung ứng tôm giống không đạt chất lượng, không khai báo kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y.

Ông Nguyễn Minh Phát cũng cho biết: Công tác thanh, kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý cải tạo môi trường NTTS còn hạn chế, do cán bộ ít, địa bàn rộng, sự phối hợp các đơn vị chưa tốt. Bộ máy kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh thủy sản yếu kém; tỉnh Phú Yên chưa thành lập Chi cục NTTS nên nhiệm vụ kiểm dịch thủy sản giao cho Chi cục Thú y thực hiện rất hạn chế. Ngoài ra, lượng giống cung cấp cho các vùng nuôi còn thiếu, phải nhập ngoài tỉnh nên khó kiểm soát chất lượng, dễ phát sinh dịch bệnh. Quy hoạch các khu sản xuất giống tập trung thiếu ổn định, chưa xây dựng và chứng nhận trại giống đạt chuẩn; nguồn hóa chất phòng chống dịch bệnh còn thiếu nên khi xảy ra dịch bệnh không thể ngăn chặn kịp thời. Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh cho thành lập Chi cục NTTS. Hiện, trên toàn tỉnh chỉ có 5 người thuộc Chi cục Thú y đảm nhiệm kiểm dịch chất lượng thủy sản; 80% chất lượng tôm và thủy sản vẫn bị thả lỏng. 

>> Năm 2012, toàn tỉnh Phú Yên có 88 cơ sở sản xuất giống hoạt động; trong đó 47 cơ sở sản xuất tôm giống, với sản lượng tôm thẻ chân trắng giống khoảng 450 triệu con. Tỉnh dự kiến giữ số lượng cơ sở sản xuất như cũ và tăng cường công tác kiểm dịch.

Dương Thảo

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!