(TSVN) – Chuỗi các hoạt động xoay quanh “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh” diễn ra từ ngày 31/3-1/4 đã thành công tốt đẹp. Sự kiện thu hút sự quan tâm, tham dự của gần 500 đại biểu trong nước và quốc tế. Phát biểu bế mạc tại Hội nghị, ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức ngay sau kết thúc hội nghị.
Trong 2 ngày 31/3 – 01/4/2024, Hội nghị đã có một chuỗi hoạt động rất ấn tượng và ý nghĩa nhân dịp 65 năm truyền thống ngành thủy sản Việt Nam và kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm động viên nhân dân tại các làng chài huyện Cát Bà và làng đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long.
“Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh” thu hút sự quan tâm của đông đảo các đại biểu trong nước và quốc tế.
Các hoạt động đã thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các Bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân như: Hoạt động đi thăm từ mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản truyền thống đến mô hình đang bước đầu tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa nuôi biển kết hợp với trải nghiệm giáo dục và du lịch; Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản với rất nhiều thành phần tham gia mang tính giáo dục cho thế hệ mai sau vì một môi trường biển phát triển xanh và bền vững, đa dạng nguồn lợi thủy sản. Trong sáng 1/4, hội nghị đã có buổi làm việc tích cực, với bài phát biểu truyền cảm hứng của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và nhiều bài phát biểu tâm huyết, thể hiện tầm nhìn xa vì một tương lai xanh của ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam. Hội nghị đã có 02 phiên tọa đàm với chủ đề: “Tiềm năng và thách thức nuôi trồng thủy sản trên biển” và “Giải pháp phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh”.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi biển tại Quảng Ninh.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bày tỏ: Thông qua các ý kiến phát biểu của các diễn giả, các nhà quản lý, các nhà khoa học cấp cao trong nước và quốc tế đã giúp cho Quảng Ninh khẳng định, biển Quảng Ninh là tài nguyên lớn, đa dạng, phong phú, khai thác lâu dài. Đây là cơ sở để thực hiện Chiến lược kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh và của Quốc gia, bắt đầu từ ngành nuôi biển một cách bền vững. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành Trung tâm nuôi biển của miền Bắc theo Đề án nuôi biển đã được của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021.
Tại Hội nghị lần này, tỉnh Quảng Ninh đã trao Giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, khẳng định đây là một cố gắng tích cực trong thời gian ngắn qua và khẳng định các thủ tục hành chính đã được Tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành liên quan rút gọn, đơn giản hóa về cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và giao khu vực biển.
Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu bế mạc Hội nghị.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan; toàn bộ ý kiến góp ý quý báu của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Đồng thời, đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức ngay sau kết thúc hội nghị này.
Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển dành cho nuôi biển.
Thứ nhất: Bám sát các chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, các chỉ đạo của Bộ NN&PTNT và Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh để tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả về phát triển thủy sản trên biển tỉnh Quảng Ninh. Với quan điểm:
– Khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, đảm bảo hài hòa với du lịch phù hợp với cảnh quan và phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc truyền thống, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng biên giới biển, đảo gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ, năng lực làm chủ của ngư dân, để ngư dân thực sự là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của quá trình phát triển kinh tế thủy sản; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển; xây dựng cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất trong nuôi biển hiệu quả, hợp lý.
– Phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại; bố trí, sắp xếp nuôi lồng bè và nhuyễn thể một cách an toàn, khoa học, phù hợp với quy hoạch chung của Tỉnh.
– Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, khai thác, bảo vệ, phát triển và khai thác nguồn lợi thuỷ sản bền vững, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; kiên quyết khắc phục tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định IUU.
– Nghiên cứu có chính sách hỗ trợ ngư dân làm nghề khai thác thủy sản ven bờ chuyển đổi sang nghề nuôi biển, dịch vụ hậu cần nghề cá hoặc phi nông nghiệp để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thứ hai: Sở, ngành NN&PTNT cùng với các địa phương ven biển thực hiện quản lý hiệu quả, khai thác ổn định bền vững 45.000 ha mặt biển đã được quy hoạch; quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành thủy sản; đồng thời, phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ khoa học – công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho người lao động.
Thứ ba: Đẩy mạnh phát triển thị trường, bao gồm thị trường nội địa (miền Bắc, đồng bằng Sông Hồng, nội tỉnh) và thị trường khu vực (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan với trọng tâm là thị trường Nam Trung Quốc bao gồm các tỉnh (Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông) trên cơ sở dung lượng của thị trường, có kế hoạch sản xuất trung hạn và hằng năm để đáp ứng nguồn cung phù hợp với cầu của thị trường.
Thứ tư: Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp phối hợp với ngành Nông nghiệp hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tín dụng tạo nguồn vốn ổn định đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nuôi biển. Ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương tiếp tục thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đánh giá tác động môi trường, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản.
Thứ năm: Đối với các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các hộ nuôi biển được Nhà nước cấp phép nuôi trồng thủy sản và giao khu vực biển tổ chức sản xuất liên kết để tạo hiệu quả về vốn đầu tư, tổ chức sản xuất đoàn kết để tạo ra môi trường biển sạch và xanh để nâng cao chất lượng thủy sản do mình sản xuất ra.
Thứ sáu: Triển khai thực hiện có hiệu quả Chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh lĩnh vực thủy sản trong năm 2024 và các năm tiếp theo tạo thành chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, hình thành hệ thống sản xuất – logistic thủy sản hiện đại trên địa bàn tỉnh gắn với hệ thống xuất khẩu chung của cả nước. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lĩnh vực nuôi biển với các ngành kinh tế khác.
Trong những năm qua, Bộ NN&PTNT luôn dành nhiều sự quan tâm đối với phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó có thủy sản của tỉnh Quảng Ninh, đã quan tâm chỉ đạo dành nguồn lực đầu tư các hạ tầng nuôi biển lớn cấp vùng tại tỉnh Quảng Ninh như: Trung tâm hậu cần nghề cá vịnh Bắc bộ tại huyện Cô Tô, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn, hạ tầng nuôi biển tập trung tại huyện Đầm Hà; là cầu nối đưa các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thủy sản về với tỉnh Quảng Ninh như Công ty sản xuất tôm giống Việt Úc và gần đây là Công ty De Heus của Hà Lan với công nghệ về chuỗi thức ăn thủy sản. Đặc biệt, ngay sau khi tỉnh hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đồng ý phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị nuôi biển với tinh thần “Vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau”.
Thùy Khánh