(TSVN) – Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) cho biết họ hoàn toàn phản đối quy định mới về thuế đối kháng (CVD) của Mỹ ban hành ngày 26/2/2024.
Theo quy định mới về thuế đối kháng (CVD) của Mỹ ban hành ngày 26/3, công ty Devi Sea Foods của Ấn Độ bị áp thuế 4,72%; các công ty chế biến Sandhya Aqua Exports, Neli Sea Foods, Vijay Aqua và các trang trại Neeli Aqua 3,89%; các công ty còn lại 4,36%. Mức thuế này có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2024 khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DoC) công bố trên Công báo (Federal Register – Tạp chí chính thức của chính phủ liên bang Hoa Kỳ có chứa các quy tắc của cơ quan chính phủ, các quy tắc được đề xuất và thông báo công khai).
SEAI cho biết ngành tôm Ấn Độ hoạt động dựa trên nguyên tắc cạnh tranh. Ảnh: ST
SEAI có kế hoạch chống lại quyết định này của Mỹ, bởi ngành tôm Ấn Độ không hề dựa vào trợ cấp chính phủ để kinh doanh có lời. Trong một lá thư gửi cho trang tin Undercurrent News của Mỹ, SEAI viết: “Kết luận của DoC hoàn toàn đi ngược lại với quy tắc quốc tế đã được thiết lập – theo đó các loại thuế không thể được xuất khẩu hoặc hoàn trả. Ngành tôm đông lạnh của Ấn Độ hoạt động hoàn toàn dựa trên nguyên tắc cạnh tranh và không phụ thuộc vào bất kỳ khoản trợ cấp nào của Chính phủ để tồn tại hoặc thu lời. SEAI sẽ phản kháng lại những tài liệu mà DoC thu thập làm căn cứ áp thuế sơ bộ, cho tới giai đoạn cuối cùng của quá trình điều tra này, để thuyết phục DoC thu hồi kết luận sơ bộ về thuế đối kháng ngày 26/3”.
Số tiền thuế sẽ được hoàn trả nếu kết luận của các điều tra viên cho thấy quốc gia xuất khẩu không vi phạm quy định trợ cấp, hoặc các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ (tuy được nhận trợ cấp của chính phủ nước xuất khẩu) nhưng không gây tổn hại tới ngành tôm nước Mỹ. Tuy nhiên bất kỳ quyết định cuối cùng nào cũng không thể đưa ra trước mùa thu hoặc mùa đông năm 2024. Điều đó có nghĩa các công ty phải đối mặt với chi phí thuế từ nay cho đến gần như hết năm.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty trong ngành tôm Ấn Độ đều cảm thấy bất mãn với quy định sơ bộ này của Mỹ. Ngược lại, một số doanh nghiệp cảm thấy “nhẹ nhõm” vì họ cho rằng “mọi chuyện đã có thể tồi tệ hơn”. Bởi mức CVD 4,36% ít hơn rất nhiều so với mức 7,55% mà Ecuador phải đối mặt. “Các công ty xuất khẩu đều cho rằng mức thuế Mỹ đưa ra có thể lên tới 6%. Do đó tôi nghĩ 4,36% là con số chấp nhận được; dù đó mới chỉ là quy định sơ bộ”, CEO của một doanh nghiệp đóng gói tôm Ấn Độ cho biết.
Đồng thời ông cho rằng tuy Indonesia – nguồn cung tôm thứ ba của Mỹ với 146.250 tấn tôm thông quan trong năm 2023 – đã “lọt lưới” khỏi quy định thuế đối kháng, nhưng có thể Indonesia sẽ chịu thuế chống bán phá giá (được thông báo vào tháng 5 tới đây). Ấn Độ đang chịu thuế chống bán phá 1,35% từ Mỹ.
Về phía Ecuador, kể từ sau đại dịch Covid-19, tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Ecuador bắt đầu xây dựng thị phần lớn mạnh tại xứ cờ hoa và gặt hái được thành công ngoài sức tưởng tượng. Ecuador bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu tôm giá trị gia tăng. Tuy nhiên, mức thuế sơ bộ của Mỹ có thể khiến “giấc mộng đế vương” của Ecuador tan vỡ, đặc biệt khi nhà chế biến và sản xuất tôm lớn nhất Ecuador và thế giới là Santa Priscila bị áp thuế 13,41% – một con số khổng lồ. Theo một nguồn tin cho hay, mức thuế này được thiết lập do Santa Priscila sở hữu trại tôm rộng tới 18.000 hecta.
An Vy (Theo Undercurrentnews)