(TSVN) – Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch quý I năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác Quý II diễn ra chiều ngày 03/4 tại Cục Thủy sản. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Chiều ngày 03/4 tại văn phòng Cục Thủy sản đã diễn ra Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch quý I năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác Quý II. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị giao ban Quý I tại Cục Thủy sản
Mở đầu Hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản báo cáo kết quả sản xuất chung quý I năm 2024. Theo đó, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 1.941,5 ngàn tấn tăng 2,2% so với cùng kỳ 2023, tăng 16% so với kế hoạch quý I/2024, đạt 21% kế hoạch năm 2024. Trong đó, khai thác ước đạt 876,5 nghìn tấn, tăng 0,2% so với cùng kỳ 2023, tăng 15% so với kế hoạch quý I/2024, đạt 25% kế hoạch năm 2024. Nuôi trồng ước đạt 1.065 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2023, tăng 16% so với kế hoạch quý I/2024, đạt 19% kế hoạch năm nay.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I năm 2024 ước đạt 1.860 triệu USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ 2023, đạt 90% kế hoạch quý I, bằng gần 20% kế hoạch năm 2024.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị
Về kết quả sản xuất từng lĩnh vực, trong nuôi trồng thủy sản, diện tích thả nuôi cá tra tính đến 15/3/2024 ước đạt 1.371 ha, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng ước tính: 367,2 ngàn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số lượng tàu cá cả nước là 85.001 tàu, trong đó 69.061 tàu đã đăng ký, 15.940 tàu chưa đăng ký. Số cảng cá công bố mở là 80 cảng tại 26 tỉnh (03 cảng cá loại I; 60 cảng cá loại II; 17 cảng cá loại III).
Ông Trần Đình Luân cho biết thêm: Mặc dù sản xuất thời gian qua đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên sản lượng khai thác hải sản còn ở mức cao, chưa đáp ứng được yêu cầu giảm dần sản lượng khai thác theo định hướng Chiến lược và Chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững. Số lượng tàu cá chưa đăng ký còn rất lớn (15.940 tàu), việc giảm số lượng tàu cá còn chậm (tháng 2 có 84.682 tàu, tháng 3 có 85.001 tàu) chưa đáp ứng được Chiến lược 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án 208/QĐ-TTg ngày 10/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về giảm số lượng và chuyển đổi tàu cá từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết “Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến tham luận, ý kiến chia sẻ của các đại biểu về một số thuận lợi cũng như khó khăn liên quan đến lĩnh vực thủy sản.
Ông Lê Bá Anh, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thông tin: Trong quý I, khi triển khai các chương trình kiểm tra thì đã phát hiện 4 mẫu thủy sản vi phạm tồn dư kháng sinh, trong đó có 3 mẫu cá tra và 1 mẫu tôm. Do vậy Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các đơn vị cần phối hợp để có hướng kiểm soát an toàn thực phẩm các mặt hàng thủy sản.
Liên quan đến xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP nêu ra một số khó khăn nhất định trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm dòng nguyên liệu thủy sản khai thác trong nước khi phía Châu Âu đã có nhiều khuyến nghị mạnh mẽ về điều này. VASEP đề nghị Cục Thủy sản sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ gỡ nút thắt cho các lô hàng đạt chứng nhận quốc tế xuất khẩu.
Ông Đỗ Huy Hoàn, Phó tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam nêu một số kiến nghị của Hội với Bộ, ngành.
Về phía Hội Thủy sản Việt Nam, ông Đỗ Huy Hoàn, Phó Tổng thư ký Hội gửi lời cám ơn tới lãnh đạo Bộ và Cục Thủy sản đã luôn quan tâm, chỉ đạo các đơn vị phối hợp với Hội trong các hoạt động, điển hình là sự kiện VietShrimp vừa mới tổ chức rất thành công tại Cà Mau. Sự kiện có ý nghĩa thiết thực, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam. Đồng thời giúp cho các doanh nghiệp ngành tôm trao đổi kinh nghiệm, kết quả và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Trong chuỗi sự kiện cũng đã diễn ra 4 phiên hội thảo có giá trị với hơn 40 bài tham luận về mọi mặt của ngành tôm Việt Nam nói riêng, ngành thủy sản nói chung, bám rất sát chủ đề là “Đồng hành cùng người nuôi tôm” cũng như xu hướng được quan tâm hiện nay, đó là nuôi tôm tuần hoàn, sản xuất xanh nhằm ứng phó với tính hình biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng.
Liên quan đến khai thác thủy sản trên biển, Hội Thủy sản Việt Nam kiến nghị Bộ chỉ đạo Cục Kiểm ngư tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra hỗ trợ bảo vệ ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển; Chỉ đạo các Sở nông nghiệp, Chi cục Thủy sản các tỉnh ven biển kịp thời thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, năng lực cho ngư dân và các lực lượng tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ; Kiến nghị với các cơ quan chức năng địa phương có kế hoạch tăng cường đầu tư vào các cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo an toàn tàu cá của địa phương,…
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II năm 2024, Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Cục sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến về thời tiết và thị trường để chỉ đạo sản xuất; Xây dựng Đề án xây dựng Trung tâm đầu mối ở Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng gắn với vùng nguyên liệu thủy sản khu vực ven biển; Triển khai thực hiện Chương trình 985: Tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội nghị Phát triển NTTS các tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng; Theo dõi, cung cấp thông tin, tài liệu thuộc nhiệm vụ được giao đối với vụ kiện tôm nước ấm của Hoa Kỳ. Chuẩn bị các nội dung tham mưu về tôm hùm xuất khẩu vào Trung Quốc; Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử; Tham mưu, tổ chức các Đoàn hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về thủy sản tại các địa phương; Tham gia các Đoàn kiểm tra công tác chống khai thác IUU, thực hiện khắc phục các khuyến nghị của EC tại các địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Không gian ngành thủy sản rất lớn và có nhiều việc phải làm. Hiện nuôi trồng thủy sản vẫn còn chậm, cần phát huy đa giá trị, đa mục tiêu từ các hồ thủy điện thủy lợi, cho tới nuôi biển cần đi vào thực chất, rà soát lại hoạt động nuôi rong sụn rong nho, đánh giá kết quả thực hiện, đối tượng nuôi cần phong phú, khi môi trường thuận lợi sẽ tạo ra năng suất cao.
Qua nghe báo cáo về công tác kiểm soát tàu cá và thực thi pháp luật trên biển hiện nay, Thứ trưởng hy vọng Việt Nam sẽ sớm gỡ thẻ vàng, công tác quản lý tàu cá, thiết bị giám sát, rà soát tình hình triển khai nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử lý vi phạm hành chính tàu vi phạm hình sự cần phải làm khẩn trương. Các lực lượng phải đồng lòng phối hợp ra quân nỗ lực gỡ thẻ vàng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị: Cục Thủy sản phối hợp với các đơn vị tổ chức các hội nghị, qua đó có thể đưa ra các giải pháp cụ thể giúp phát triển ngành thủy sản bởi nếu chúng ta không kiên quyết, kiên trì, kiên cường thì ngành thủy sản sẽ đi thụt lùi. Hiện nay chúng ta đã có những bước chuyển quan trọng thì cần phải có quyết tâm, đề ra nhiệm vụ thực hiện cho từng tuần, từng tháng, từng quý thì mới về đích, vì một nghề cá có trách nhiệm và bền vững.
Thùy Khánh