(TSVN) – Qua các lần diễn ra Hội chợ VietShrimp, sự kiện VietShrimp 2024 đã thể hiện tầm vóc ngày càng quan trọng và lớn lao của Hội chợ này, trong việc tập hợp các mắt xích chuỗi giá trị ngành hàng.
Họ gặp nhau và cộng hưởng với khách hàng để củng cố giá trị các mắt xích. Trên nền tảng đó, góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững hơn của tôm Việt, đi đúng xu thế thế giới.
Tôi cảm nhận như vậy, khi nhìn thấy sự đa dạng và khung cảnh hoành tráng không gian trưng bày. Sâu sắc hơn là khi theo dõi nội dung các cuộc Hội thảo, tổ chức song hành với nhiều diễn giả từ nước ngoài.
Các cuộc Hội thảo đã nhận diện đúng những thách thức, đưa ra cách ứng xử phù hợp cho ngành tôm năm 2024. Qua Hội thảo, giúp chúng ta định hướng phát triển ngành tôm tốt hơn, có thể là củng cố, bổ sung cho chiến lược phát triển ngành, đó là phát triển theo kinh tế tuần hoàn, đó là thực thi chuẩn mực nuôi ASC, đó là dựa trên hệ dữ liệu để xử lý mọi tình huống nhanh và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển phải đáp ứng xu thế bảo đảm phúc lợi động vật (như không cắt mắt tôm bố mẹ và giữ mật độ nuôi vừa phải)…
Tôi đã tham quan tất cả các gian hàng, nhưng tập trung chú ý một số gian hàng, có thể tìm hiểu thêm thông tin mới cần thiết nhất. Có thể nói, một số thông tin bên lề, ít nhiều giúp chúng ta kiểm tra lại thông tin chính thống. Qua đó, tôi thấy có những điểm sáng, tuy chưa lớn, nhưng rất ý nghĩa.
Ngành Nông nghiệp đang triển khai một triệu hecta lúa chất lượng cao theo kỹ thuật canh tác mới, chẳng những giảm phát thải, mà còn tạo nên các tín chỉ carbon về sau. Chương trình này thể hiện trong Festival lúa gạo 2023 ở Hậu Giang.
Tuy nhiên, tại VietShrimp 2024, tôi thấy gian hàng Thái Nam Việt có vẻ lẻ loi, khi họ quảng bá công nghệ vi sinh của mình phục vụ canh tác lúa. Chuyện này không quá mới mẻ, nhưng dù sao cũng là một tia sáng nhỏ, thể hiện đã có sự nhận thức, chuyển biến về sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói chung. Thái Nam Việt đã tìm thấy cơ hội kinh doanh lớn, khi hàng triệu hecta lúa ở ĐBSCL, đang rất cần ứng dụng công nghệ vi sinh trong trồng lúa, nâng cao hiệu quả và phát triển đúng hướng, nhất là mô hình tôm – lúa.
Tôi cũng thấy một gian hàng của doanh nghiệp từ Thanh Đảo, Sơn Đông, Trung Quốc trưng bày máy lột vỏ tôm. Đây là điểm khá thú vị. Nó thể hiện sự lan tỏa uy tín VietShrimp, đây là cơ hội tìm hiểu thêm thiết bị máy lột vỏ tôm, hiện có nhu cầu không nhỏ đối với các doanh nghiệp chế biến tôm. Cái “lạ” và mới ở VietShrimp lần này không dừng lại ở đây, còn nhiều cái nhìn, góc nhìn người tham dự khác. Dù sao 2 cái “lạ” nói trên, cũng đã cho tôi thêm ấn tượng, ngoài các nội dung thuộc chủ đề chính VietShrimp 2024, đã được tạo đà phát triển ngày càng vững chắc.
Câu chuyện về VietShrimp không chỉ vui, mới mẻ, mà còn thú vị! Cám ơn Ban Tổ chức đã nhọc lòng vì sự phát triển một ngành kinh tế quan trọng. Cám ơn tất cả các doanh nghiệp đã tích cực tham gia gian hàng, để khẳng định tinh thần chia sẻ, hỗ trợ vì cộng đồng. VietShrimp diễn ra tháng 3, còn có ý nghĩa như tạo thêm nguồn năng lượng tích cực, để ngành thủy sản Việt Nam bước vào vụ nuôi chính 2024 đầy rẫy biến số!
Hồ Quốc Lực
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta