(TSVN) – Cuối năm 2023, Mỹ tuyên bố điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh Ecuador Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, gây nhiều bất lợi cho mặt hàng tôm xuất khẩu vào thị trường này.
Ngày 15/11/2023, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) thông báo sẽ bắt đầu điều tra thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Indonesia và điều tra thuế chống trợ cấp đối với tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Ngày 8/12/2013, trong một thông cáo báo chí, Trung tâm Thương mại quốc tế Mỹ (USITC) thông báo đã xác định được dấu hiệu hợp lý cho thấy ngành công nghiệp tôm của Mỹ bị thiệt hại nghiêm trọng do nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh từ Ecuador và Indonesia được bán tại thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị thực, đồng thời sản phẩm này còn được trợ cấp; cùng đó, USITC cũng tuyên bố tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam cũng được trợ cấp từ chính phủ.
Phán quyết của Mỹ sẽ gây bất lợi cho các nhà cung cấp tôm đang bị điều tra. Ảnh: Shutterstock
Động thái của USITC vào ngày 8/12/2023 xảy ra ngay sau khi Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (ASAP) nộp đơn khởi kiện thương mại vào ngày 25/10/2023, yêu cầu áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia; đồng thời áp thuế đối kháng với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam. Tuyên bố cho rằng, thị trường tôm Mỹ đã bị “lũng đoạn” bởi một số lượng lớn tôm nhập khẩu giá rẻ, dẫn đến tình trạng tôm nội địa bị rớt giá, thị phần sụt giảm và ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngư dân và nhà chế biến, đồng thời kéo theo tình trạng tồn kho cao kỷ lục.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhập khẩu tôm từ 4 quốc gia Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, và Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt trị giá trên 6,6 tỷ USD vào năm 2022, chiếm hơn 90% tổng khối lượng tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu của cả nước. ASPA ước tính biên độ bán phá giá của Ecuador lên tới 111% và biên độ bán phá giá tôm của Indonesia lên tới 37%. Ngoài ra, ASPA còn thu thập được tài liệu chứng minh rằng hàng chục chương trình trợ cấp của chính phủ mang lại lợi ích cho người nuôi và chế biến tôm ở Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, bao gồm các khoản vay ưu đãi, ưu đãi thuế, trợ cấp, tín dụng xuất khẩu và cung cấp đất, nước cùng nhiều đầu vào khác. Những chính sách hỗ trợ này đã giúp điều chỉnh thị trường và cứu trợ cần thiết cho toàn bộ ngành tôm trong nước.
ASPA cho biết nhập khẩu tôm từ 4 nước này đã tăng hơn 200 triệu pound (90.909 tấn) từ năm 2020 đến năm 2022, chiếm gần hết thị phần của ngành tôm nội địa dễ bị tổn thương. Tôm nhập khẩu cũng làm giá tôm nội địa rớt xuống mức thấp lịch sử vào năm 2023, khiến ngư dân khai thác tôm và các hãng chế biến đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kết quả, tỷ suất lợi nhuận của ngành tôm nội địa gần như biến mất, đe dọa sự sống còn trong tương lai của một ngành công nghiệp có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và di sản văn hóa vùng Vịnh.
Kể từ khi công bố hai quyết định trên, giới chức Mỹ sẽ tiến hành các cuộc điều tra đầy đủ kéo dài đến mùa thu năm 2024. Cụ thể như sau: điều tra chống bán phá giá theo 4 đợt vào các ngày 2/4/2024; 17/6/2024; 1/8/2024 và 8/8/2024; và 4 đợt điều tra thuế đối kháng vào các ngày: 18/1/2024; 2/4/2024; 17/5/2024 và 24/5/2024.
Đối tượng điều tra gồm một số loại tôm nước ấm đông lạnh tự nhiên lẫn tôm nuôi; nguyên con hoặc bỏ đầu, nguyên vỏ hoặc bóc vỏ, còn đuôi hoặc bỏ đuôi, nguyên liệu tươi sống hoặc đã chế biến, hoặc chế biến ở các dạng khác gồm đông lạnh, hay cấp đông theo khối ở bất kỳ kích cỡ nào. Chỉ có tôm tẩm bột được loại trừ.
Ngày 6/1/2024, Tổng cục Nuôi trồng thủy sản, thuộc Bộ hàng hải Indonesia tuyên bố trên các phương tiện thông tin địa phương rằng họ đang chuẩn bị giải trình các chính sách hoặc chương trình được coi là trợ cấp, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, chẳng hạn như hỗ trợ tài chính cho ngành thủy sản, bảo hiểm cho hộ ngư dân nhỏ lẻ.
Hiện sản phẩm tôm của Việt Nam đang bị Mỹ điều tra lần thứ 2. Ảnh: TCCT
Hiệp hội Xuất khẩu Thủy sản Ấn Độ (SEAI) và Cục xúc tiến xuất khẩu hải sản Ấn Độ (MPEDA) sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết cho Mỹ để chống lại các cáo buộc của ASPA. Phó chủ tịch MPEDA kiêm chủ tịch SEAI, ông Jagdish Fofandi cho biết: ASPA đã tuyên bố rằng việc xuất khẩu từ Ấn Độ được chính phủ trợ cấp. Cơ chế RoDTEP dành cho các nhà xuất khẩu tuân theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Nếu Ấn Độ không thuyết phục được Mỹ bãi bỏ thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng, giá xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Mỹ sẽ đắt thêm 6-10%.
Bộ Công thương Việt Nam đánh giá, vụ kiện này là một thách thức với tôm Việt, và để giải quyết, cần sự đồng thuận của toàn bộ ban ngành liên quan. Hiện sản phẩm tôm của Việt Nam đang bị điều tra lần thứ 2 cùng nhiều cáo buộc mới liên quan đến chương trình trợ cấp và danh sách doanh nghiệp vi phạm.
Theo đó, Mỹ đang điều tra tôm nước ấm đông lạnh mã HS 0306.17, 1605.21, 1605.29. Mặc dù sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Việt Nam chỉ bị điều tra thuế chống trợ cấp nhưng nguyên đơn ở Mỹ đã đưa ra thêm nhiều chương trình cáo buộc khác nên DOC quyết định điều tra lại toàn bộ 40 chương trình. Nhiều chương trình cáo buộc có nội dung mới, phức tạp, liên quan đến bộ, ngành, địa phương ở nhiều cấp độ khác nhau. Những chương trình trợ cấp bị cáo buộc bao gồm: cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ giá rẻ, cho vay ưu đãi, chương trình tín dụng xuất khẩu, ưu đãi thuế và nhiều khoản trợ cấp khác. Đáng chú ý, DOC cũng điều tra một loạt chương trình thuộc chiến lược phát triển thủy sản và chương trình phát triển ngành thủy sản.
Theo luật sư người Mỹ, Akin Gump, phán quyết của Mỹ sẽ gây bất lợi cho các nhà cung cấp tôm đang bị điều tra. Nếu ITC và DOC đưa ra quyết định sơ bộ có lợi cho những người khởi kiện, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải ký quỹ đặt cọc tương đương số tiền ước tính thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với tất cả các lô hàng tôm kể từ ngày quyết định được công bố. Các cuộc điều tra bắt đầu vào 14/11/2023 và dự kiến kéo dài đến 9/12/2024 trước khi lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được ban hành.
Tuấn Minh (Tổng hợp)