(TSVN) – Việc duy trì kết nối giám sát hành trình là điều kiện quan trọng để các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, giúp các tàu cá khai thác đúng vùng, không vi phạm vùng biển nước ngoài. Mới đây, Chính phủ đã ban hành nghị định mới, có bổ sung điều chỉnh nội dung liên quan đến việc quản lý hệ thống thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá.
Việc lắp đặt, duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên là nội dung quan trọng nhằm chống khai thác IUU, theo khuyến nghị của EC. Tuy nhiên, hiện nay tại không ít các địa phương ven biển, tình trạng tàu cá ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình khi đang khai thác khá phổ biến.
Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Sở NN&PTNT Quảng Ngãi
Theo thống kê, hiện nay 1.100 tàu có chiều dài 15 m trở lên thường xuyên tham gia khai thác hải sản ở vùng khơi của Thanh Hóa đều đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Tuy nhiên, qua đợt tổng kiểm tra, rà soát của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, có tới 378 tàu cá mất kết nối trên 6 tháng, 268 tàu mất kết nối trên 10 ngày.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNTT Thanh Hóa cho biết, các lượng chức năng phối hợp tuyên truyền đến các chủ tàu và ngư dân, cùng với đó quản lý chặt chẽ đội tàu, trọng tâm là nghiêm cấm tàu “3 không” ra vùng khơi và các vùng quy định để khai thác. Đối với những tàu thiếu giấy tờ có liên quan, các đơn vị chức năng có trách nhiệm cung cấp kịp thời giấy tờ cho các chủ tàu vươn khơi bám biển. Giám sát chặt chẽ lịch trình của các tàu cũng như vùng khai thác, xử lý nghiêm tàu vi phạm quy định đánh bắt trên biển; cùng cả nước thực hiện tháo gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024.
Còn tại tỉnh Quảng Nam, từ đầu tháng 3/2024 đến nay, tình hình tàu cá của ngư dân địa phương mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình tại khu vực giáp ranh Philippines ngày càng tăng, chủ yếu là nhóm tàu làm nghề câu mực khơi, làm ảnh hưởng lớn đến nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 637/642 tàu cá đăng ký khai thác thủy sản tại vùng khơi được lắp thiết bị giám sát hành trình. Trong đó 59 tàu câu mực khơi (mực xà đại dương) chủ yếu khai thác ở sát mép trong của vùng biển Việt Nam và vùng biển giáp ranh Philippines. Qua theo dõi trên hệ thống giám sát tàu cá, có nhiều tàu câu mực mất kết nối thiết bị giám sát hành trình tại khu vực giáp ranh Philippines.
Để sớm khắc phục tình trạng trên, tỉnh đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Quân chủng Hải quân trong quá trình tuần tra, quản lý biển, đảo tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở các tàu cá hoạt động tại các vùng biển giáp ranh với các quốc gia, vùng lãnh thổ chấp hành đúng quy định pháp luật, phải duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình đảm bảo 24/24 giờ. Trường hợp phát hiện các tàu cá hoạt động tại vùng biển giáp ranh, không duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình thiết bị giám sát hành trình thì lập biên bản, bàn giao cho cơ quan chức năng của tỉnh có tàu cá đó xử lý nghiêm. Đồng thời, đề nghị bộ chỉ đạo các lực lượng chức năng có biện pháp yêu cầu các tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình ngay tại vùng biển giáp ranh biên giới Philippines quay về vùng biển được phép khai thác của Việt Nam để tránh ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ “thẻ vàng” của cả nước.
Ngày 4/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, có hiệu lực từ ngày 19/5/2024. Nghị định này sửa đổi, bổ sung điều 44: Quy định về hệ thống quản lý giám sát tàu cá; trong đó, có các quy định đối với thuyền trưởng, chủ tàu và tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam.
Cụ thể: Chủ tàu khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá phải khai báo thông tin lắp đặt và kích hoạt dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo Mẫu số 01.KT Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này; được cung cấp thông tin giám sát hành trình của tàu cá mình từ trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT và trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá thuộc đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá khi có yêu cầu.
Thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải bảo đảm thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng. Trường hợp thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu kết nối, thuyền trưởng hoặc chủ tàu phải sử dụng các thiết bị ghi lại vị trí tàu cá và báo cáo cơ quan quản lý tại cảng khi tàu cập cảng, sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác báo cáo vị trí tàu cá về cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT và cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi đăng ký tàu cá (qua bộ phận trực, vận hành hệ thống giám sát tàu cá) 6 giờ/lần và phải đưa tàu về cảng để sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị giám sát hành trình tàu cá bị hỏng; Thuyền trưởng, chủ tàu cá phải chấp hành nghiêm cảnh báo của thiết bị giám sát hành trình tàu cá, không được đưa tàu vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.
Tàu cá nước ngoài hoạt động thủy sản trong vùng biển Việt Nam phải lắp thiết bị giám sát hành trình đảm bảo phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, quản lý, sử dụng hệ thống và dữ liệu giám sát hành trình tàu cá quy định tại Điều này.
Dữ liệu giám sát hành trình tàu cá được sử dụng làm căn cứ pháp lý để quản lý hoạt động của tàu cá, xử phạt vi phạm hành chính, xử lý các tranh chấp nghề cá trên biển, xác nhận, chứng nhận thủy sản từ khai thác; thực hiện chi trả chính sách trong lĩnh vực thủy sản.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho hay, tàu cá không duy trì việc truyền thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá về hệ thống giám sát tàu cá theo quy định hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá hoặc không có thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài 24 m trở lên sẽ bị xử phạt từ 300 triệu đến 500 triệu đồng, nếu tái phạm có thể bị phạt đến 700 triệu đồng.
Vân Anh