T2, 06/07/2020 10:28

Làng nghề đan lọp cua đón lũ

Chưa có đánh giá về bài viết

Sau gần 30 năm hình thành, nghề đặt cua và làm lọp cua ở ấp Mỹ Hòa, xã Mỹ Đức (Châu Phú, An Giang) mang đến cho bà con cuộc sống khá ổn định trong mùa lũ. Cuối năm 2009, nghề đan lọp cua được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề.

Những ngày đầu tháng 7, hàng chục hộ dân ở làng nghề đan lọp của ấp Mỹ Hòa đang tất bật với công việc đan lọp để chuẩn bị cung ứng cho thị trường trong mùa lũ. Nghề đan lọp cua mang tính chất thời vụ, chỉ bận rộn vài tháng trong năm, nhưng cuộc sống của bà con khá ổn định, thậm chí có người còn sắm sửa phương tiện và một số đồ dùng thiết yếu trong gia đình một cách đủ đầy. Ông Đinh Văn Đỏ, một người dân trong ấp cho biết, gia đình đã theo nghề này trên 20 năm, hằng năm cứ vào mùa lũ, gia đình ông chỉ sống với cái lọp và con cua vậy mà cũng khỏe re! Ngồi bện từng chiếc hom lọp, ông Đỏ trần tình: “Đây là nghề cha truyền con nối. Trước đây, tôi được ông già chỉ dạy, rồi làm riết quen. Sau đó, tôi truyền lại cho mấy đứa con. Thằng lớn có vợ rồi, không nghề nghiệp ổn định, nhưng nhờ bám nghề đan, đặt lọp nên cuộc sống cũng ổn định. Còn đứa con gái út nên tôi ráng đan lọp, kiếm tiền lo cho nó đi học để mai sau đời chúng bớt khổ…”.

Hằng năm, khi con nước đầu nguồn trở mình đỏ quạch thì cũng chính là lúc cả xóm Mỹ Hòa cũng bắt tay vào mùa đan lọp. Công việc phải được chuẩn bị trước từ tháng 3 âm lịch, như mua tre, lồ ồ về rồi tranh thủ ra ghẻ (xả ra thành nan tre nhỏ), đến thui và phơi ghẻ. Sau đó, đến công đoạn bện nan lọp, cuối cùng là “bung” thành chiếc lọp hoàn chỉnh. Nhìn chiếc lọp trông đơn giản, nhưng là một quy trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo tay. Chỉ việc uốn ghẻ thôi cũng đòi hỏi phải khéo léo, nếu không ghẻ sẽ bị gãy. Theo số liệu của Trung tâm Khuyến công tỉnh An Giang, hiện nay trong ấp có 63 hộ làm lọp cua. Họ vừa tạo thu nhập cho mình và cũng giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông nhàn trong xóm. Một người chuốt ghẻ giỏi thì mỗi ngày có thể bỏ túi khoảng 50.000 đồng.

Vừa qua, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã chuyển 4 máy vót ghẻ cho 4 hộ dân làng nghề có quy mô sản xuất lớn, trị giá mỗi máy 28 triệu đồng, trong đó trung tâm hỗ trợ 70%, hộ dân 30%, giúp cho việc thực hiện các công đoạn sản xuất lọp cua thuận lợi hơn. Hiện nay, giá mỗi chiếc lọp khoảng 35.000 đồng, sau khi trừ đi các khoản chi phí, còn lãi khoảng  20.000 đồng. Trung bình, mỗi mùa nước nổi, gia đình ông Đỏ làm trên 3.000 cái lọp, bỏ túi khoảng 60 triệu đồng. Từ lâu, lọp cua Mỹ Đức có tiếng nên được bà con từ Đồng Tháp, Long An, kể cả người dân tỉnh Takeo (Campuchia) cũng xuống mua về đặt trong mùa lũ.

 Ngoài sản xuất lọp cua, khoảng tháng 8 âm lịch, ông Đỏ còn cùng anh em trong xóm dong ghe, xuồng vào những cánh đồng ngập lũ, như: Vĩnh Nguơn (Châu Đốc), Cây Mít (Tịnh Biên) để đặt cua kiếm thêm thu nhập. Ông kể: “Đặt cua khỏe re à chú ơi! Sáng mình chống xuồng ra đồng, lựa chỗ nào thật êm đặt chiếc lọp, rồi nằm đợi. Nếu gặp ngay luồng cua đi thì trúng mánh, kiếm được vài chục ký, thu nhập cũng được vài trăm ngàn đồng”. Còn ông Đinh Văn Tư, tâm sự: “Đến mùa nước thì đan lọp nhiều, kiếm được vài chục triệu đồng, để dành tiền sắm sửa trong nhà rồi lo cho sấp nhỏ đi học. Còn khi nước rút cạn đồng, tôi gánh lọp đặt theo kênh, ao hầm, mỗi ngày kiếm vài chục ký cua, giá 50.000 đồng/kg thì cũng có lý lắm!”.

Khi mà dòng nước Cửu Long còn mang theo sự sinh sôi, màu mỡ thì ông Đỏ và những người trong xóm sẽ còn bám nghề đan lọp cua và hướng đến một cuộc sống ổn định, đủ đầy hơn.

Thanh Tiến

Báo An Giang

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!