T3, 07/05/2024 04:57

Thủy sản Việt Nam số 5 – 2024 (420)

(TSVN) – Xuất bản ngày 06/5/2024

Thưa quý vị bạn đọc!

Với mục tiêu xây dựng nghề cá bền vững, có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế và gỡ “thẻ vàng” của EC, cả hệ thống chính trị đã tích cực vào cuộc để xây dựng và triển khai một kế hoạch đồng bộ với các giải pháp cụ thể từ Trung ương đến địa phương, đoàn thể, cộng đồng ngư dân, hiệp hội và doanh nghiệp thủy sản.

Cụ thể, ngày 10/4/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản. Tiếp đó, ngày 22/4/2024, Chính phủ mới đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-CP về Chương trình hành động và Kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32. Ngoài ra, để giúp việc thực thi pháp luật chặt chẽ hơn, góp phần chống khai thác IUU đạt hiệu quả cao nhất; Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 37/2024/NQ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2017/NQ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Nghị định số 38/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP. Với cơ sở pháp lý đầy đủ và sự đồng thuận từ các cơ quan Trung ương, nếu các địa phương quyết tâm vào cuộc sẽ chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm, góp phần chống khai thác IUU.

4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 19,06 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,32 tỷ USD; trong đó, nhóm hàng thủy sản đạt 2,68 tỷ USD, tăng 4,2% so cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp, việc tăng chi phí trong hoạt động sản xuất cho xuất khẩu ít nhiều bị ảnh hưởng; khi giá nguyên liệu đầu vào, vật tư vật liệu, bao bì đều tăng do ảnh hướng giá dầu và thị trường tài chính. Cùng đó là những rào cản từ các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và Nhật Bản. Theo VASEP, 2024 là năm thứ 10 thực hiện Hiệp định hương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Theo lộ trình, hầu hết các dòng hàng thủy sản có mức thuế về 0%. Tuy nhiên, theo cam kết về hạn ngạch tại Phụ lục 2A-1 về quản lý hạn ngạch thuế quan của Hàn Quốc tại Văn kiện VKFTA, hiện vẫn còn nhóm 7 dòng sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Hàn Quốc vẫn chỉ được hưởng ưu đãi thuế quan theo cơ chế hạn ngạch (hiện là 15.000 tấn/năm). Trước tình hình này, VASEP đã có văn bản đề nghị bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Để ngành thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng nhất là lĩnh vực nuôi trồng phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững, theo các chuyên gia, một trong những yếu tố quan trọng đó là việc tái cấu trúc lại sản xuất giống cũng như chú trọng đến quản lý dinh dưỡng hiệu quả. Thông tin tại Hội nghị, quản lý giống tôm nước lợ và ký kết quy chế phối hợp năm 2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận vừa qua; các đại biểu cho rằng, cần quy hoạch vùng trọng điểm vùng sản xuất tôm giống theo dung lượng thị trường; thiết lập tiêu chuẩn, quy chuẩn tiêu chí thực thi; tổ chức sản xuất có hạn ngạch theo mùa vụ; thiết lập cơ chế phối hợp từ các hiệp hội, cơ quan chuyên ngành, địa phương trong sản xuất, lưu hành tôm giống. Ngoài ra, công tác quản lý tôm giống phải được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, an toàn với dịch bệnh, góp phần đem lại hiệu quả sản xuất của ngành tôm.

Bên cạnh đó, một trong những câu hỏi cơ bản làm nền tảng cho dự báo về sự tăng trưởng trong lĩnh vực NTTS là làm thế nào để có được nguyên liệu thức ăn để duy trì sự tăng trưởng và quan trọng hơn là làm thế nào có thể đảm bảo tính bền vững. Các nhà khoa học đã đánh giá một loạt các nguồn tài nguyên mới được coi là nguồn protein tiềm năng làm nền tảng cho việc mở rộng NTTS thế giới trong tương lai.

Những nội dung này đã được đề cập chi tiết và sâu sắc trong số báo phát hành kỳ tháng 5/2024 của Tạp chí Thủy sản; mời quý độc giả đón đọc!

 

Để đặt mua báo. Xin vui lòng điền thông tin vào biểu mẫu sau: 

    Chúng tôi sẽ liên hệ sớm nhất sau khi bạn điền đầy đủ thông tin vào form đăng ký.

    Hoặc quý độc giả có thể liên hệ:

    Phòng Quảng cáo Phát hành – Tạp chí Thủy sản Việt Nam

    Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

    Điện thoại: (024) 377 11 756

    Email: phqc@thuysanvietnam.com.vn

    Trân trọng!

    Ban Biên Tập

    error: Content is protected !!