(TSVN) – Brazil hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Mỹ Latinh và đứng thứ hai tại châu Mỹ, sau Mỹ. Việt Nam là đối tác hàng đầu của Brazil trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trong đó lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có nhiều lợi thế về về giao thương giữa hai quốc gia.
Năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 35 năm Việt Nam và Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao (5/1989 – 5/2024) và 17 năm quan hệ đối tác toàn diện (5/2007 – 5/2024). Trong 35 năm qua, quan hệ giữa hai nước đã và đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn; quan hệ chính trị ngày càng gắn bó, tin cậy; quan hệ kinh tế thương mại ngày càng gia tăng.
Theo Bộ Công thương, năm 2023, trao đổi thương mại Việt Nam – Brazil vượt 7,11 tỷ USD, trong đó Việt Nam nhập khẩu hàng hóa trị giá 4,7 tỷ USD và xuất khẩu hơn 2,4 tỷ USD. Ba tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam – Brazil đạt 2,2 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 676 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2023 và nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 38%.
Mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang có đà xuất khẩu tốt và tăng trưởng ổn định tại thị trường Brazil; ảnh: Gia Bảo
Việt Nam và Brazil đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả của Ủy ban hỗn hợp cấp bộ về lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khoa học, công nghệ và Tham vấn Chính trị của Bộ Ngoại giao, đồng thời mở rộng đối thoại, hợp tác giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy hợp tác về thương mại, đầu tư, nông nghiệp cũng như giao lưu, hợp tác nhân dân giữa các tổ chức hữu nghị và các địa phương.
Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị cho biết, nhằm tăng cường tìm hiểu thị trường, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp, vào tháng 3/2024, trong chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil Roberto Serroni Perosa, Hội thảo Thương mại Việt Nam – Brazil đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo doanh nghiệp hai nước, trong đó có tới 70 doanh nghiệp Brazil. Điều này thể hiện sự quan tâm ngày càng mạnh mẽ của giới đầu tư và doanh nghiệp hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Về mặt hợp tác thương mại nông nghiệp giữa Việt Nam và Brazil thì lĩnh vực thủy sản có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển, nhất là sản phẩm cá tra. Ông Ngô Xuân Tỵ, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, mặt hàng thủy sản của Việt Nam đang có đà xuất khẩu tốt và tăng trưởng ổn định tại thị trường Brazil. Hiện nay, hàng hóa, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này do nhu cầu nhập khẩu tại thị trường Brazil tương đối lớn.
Theo số liệu của Trung tâm Thương mại thế giới (ITC), Việt Nam vẫn là nhà cung cấp cá thịt trắng số 1 cho Brazil. Năm 2023 kết thúc, giá xuất khẩu sang quốc gia này giảm xuống mức thấp, nhưng kim ngạch xuất khẩu tăng cao, cho thấy nhu cầu tiêu thụ cá tra tại Brazil vẫn tốt. Tháng 12/2023 xuất khẩu cá tra sang Brazil tăng trưởng 3 con số, gấp đôi so với tháng 12/2022. Nhờ doanh số bán cá tra trong tháng cuối năm 2023, Brazil đã đứng ở vị trí thứ 4 về thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam sau Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, CPTPP trong quý IV/2023.
Số liệu từ VASEP cho thấy, quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt gần 28 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 99,6% tỷ trọng; khối lượng tương ứng là gần 7.000 tấn, tăng 79% so cùng kỳ. Đáng chú ý, quý I này, Brazil nhập khẩu thêm hơn 110 nghìn USD sản phẩm cá tra đông lạnh từ Việt Nam, trong khi cùng kỳ năm ngoái, quốc gia này gần như không nhập khẩu sản phẩm này. Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam sang thị trường Brazil trong quý đầu năm nay bao gồm: Hùng Cá 2 (tỷ trọng 26%), Thủy sản Miền Nam (16%), Hoàng Long (11%), Thủy sản Cần Thơ (10%) và Frozen Food Việt Nam (9%).
Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị nông sản nêu thực trạng, Brazil đang áp dụng tiêu chuẩn phụ gia, phốt phát và thực hiện kiểm tra chỉ tiêu phụ gia đối với cá tra Việt Nam không phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng thị trường. Hiện vấn đề này cần phía Brazil xem xét lại. Ngoài ra, Brazil chưa cho phép Việt Nam xuất khẩu tôm đông lạnh nguyên con, đồng thời áp dụng yêu cầu về chế độ xử lý nhiệt đối với tôm xuất khẩu sang nước này khác với quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Theo đó, phía Việt Nam đã cung cấp tài liệu của OIE đến Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil thông qua Đại sứ quán và cho rằng quy định này cần thay đổi phù hợp với quy định quốc tế. Ông Lê Bá Anh cũng đề nghị, Brazil thay đổi thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký nhãn sản phẩm và công nhận bổ sung, xử lý danh sách doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu nông sản sang Brazil với tiến độ nhanh hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo ông Ngô Xuân Tỵ, dù có nhiều điểm sáng trong hợp tác thương mại giữa hai nước, tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Brazil đang đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết là do chi phí vận chuyển và logistic tăng (không giảm sau đại dịch), cùng với giá nguyên vật liệu tăng từ lúc đại dịch đến nay… Và để có sự ổn định và phát triển trong xuất khẩu, các doanh nghiệp, hiệp hội cần đổi mới và khắc phục những hạn chế để có sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng cao và ổn định, duy trì xu thế cạnh tranh giá cả với các đối thủ xuất khẩu. Ông Tỵ khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần tăng cường hiện diện trực tiếp tại thị trường Brazil thông qua công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong Bộ Công thương để tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp, các chiến dịch quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các hội chợ, triển lãm… Ngoài ra, cần sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước để cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và cùng bảo vệ để mở rộng thị trường. Cùng đó, cần làm tốt hơn nữa trong xây dựng thương hiệu uy tín, với chất lượng luôn được nâng cao và giá cả cạnh tranh.
Vân Anh
Tổng Thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh cho rằng, để tận dụng các cơ hội và ứng phó với các thách thức trong một thế giới biến đổi nhanh, doanh nghiệp hai nước cần chủ động, sáng tạo và gắn kết hơn nữa để vượt qua khó khăn, nắm bắt thời cơ của cách mạng công nghệ số, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong những lĩnh vực hai bên còn rất nhiều dự địa hợp tác, đầu tư như máy móc nông nghiệp, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, nông nghiệp sạch, công nghệ sinh học, công nghệ cao.