(TSVN) – Ngành tôm vốn rất phức tạp với nhiều biến số, không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền thống để đạt thành công mà cần phải có cách tiếp cận sáng tạo mới. Tại VietShrimp 2024 tổ chức tại Cà Mau vừa qua, các chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, bên cạnh việc chú trọng vào chất lượng con giống, vấn đề dinh dưỡng và vi sinh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ thành công và giảm chi phí trong quá trình nuôi tôm, hướng đến mục tiêu xanh hóa.
Đây cũng chính là thông điệp của giải pháp mục tiêu toàn diện mà Công ty Thái Nam Việt mang đến với phiên hội thảo trong khuôn khổ VietShrimp 2024 khi nói về vai trò của vi sinh trong nuôi tôm. Đại diện của công ty nhấn mạnh rằng, hiệu quả của từng chủng vi sinh mới là điều cần thiết, không phải là từng loài cụ thể. Mỗi chủng vi sinh sẽ có chức năng riêng, nhưng thông thường, những thông tin này không được ghi rõ trên bao bì sản phẩm. Việc lựa chọn và sử dụng chủng vi sinh phù hợp như cách chúng ta chọn phương tiện giao thông cho từng mục đích di chuyển cụ thể.
Xuất khẩu tôm đặt mục tiêu đạt 10 tỷ USD vào năm 2025
Cùng đánh giá cao vai trò của vi sinh trong phát triển bền vững nghề nuôi tôm, TS. Vũ Anh Tuấn – Chuyên gia Thủy sản châu Á của Tập đoàn OLMIX, khẳng định: “Việc sử dụng vi sinh để thay cho kháng sinh và hóa chất khác không chỉ tốt hôm nay mà còn tốt cho tương lai. Nói một cách khác, vi sinh hiện là câu chuyện lớn của ngành tôm”. Theo TS. Tuấn, để vi sinh được sử dụng hiệu quả trong phòng chống bệnh tôm, cần sự phối hợp kỹ lưỡng giữa nghiên cứu về vi sinh có ích và vi sinh có hại. Tương tự như quan điểm của Thái Nam Việt, TS. Tuấn nhấn mạnh rằng, vi sinh khi được áp dụng cần phải có nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt là về loại chủng.
Trong các phiên hội thảo, các diễn giả đều có chung nhận định rằng, không thể có môi trường trong sạch hoàn toàn (không có dịch bệnh. Do đó, ngoài việc tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh cho tôm từ giai đoạn con giống, việc sử dụng vi sinh và Enzyme là vô cùng cần thiết.
Bàn về vai trò của vi sinh và Enzyme trong nuôi tôm, đại diện của Công ty BQ&Q giải thích rằng Enzyme và vi sinh giúp tăng cường khả năng tiêu hóa, cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột, ngăn ngừa dịch bệnh, nâng cao sự hấp thu dinh dưỡng, tăng trọng tốt và thay thế cho kháng sinh. Để làm rõ hơn về điều này, đại diện của BQ&Q đưa ra: “Vi sinh có lợi cạnh tranh với vi sinh có hại, giảm mật độ vi sinh có hại, từ đó giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường ao nuôi và ngăn chặn sự phát triển của dịch bệnh. Enzyme giúp phân giải thức ăn phức tạp thành chất dễ hấp thu, giúp tôm tăng trọng nhanh hơn, giảm nguy cơ mắc bệnh, và làm giảm lượng chất thải xuất ra môi trường, từ đó cải thiện chất lượng môi trường ao nuôi”.
Trong phần chia sẻ về thành công của mô hình Grofarm, TS. Lê Văn Khoa – Giám đốc kỹ thuật toàn quốc Công ty TNHH Grobest Việt Nam, đã tiết lộ rằng do con tôm chỉ hấp thu khoảng 20 – 30% dinh dưỡng, nên lượng đạm bị lãng phí trong quá trình nuôi tôm rất lớn (70 – 80%). Vì vậy, để giải quyết vấn đề giảm chi phí, tăng tỷ lệ thành công và tăng lợi nhuận, giải pháp dinh dưỡng và thức ăn chức năng được xem là yếu tố cơ bản nhất trong mô hình nuôi tôm của Grobest. Quá trình này được đánh giá dựa trên sức khỏe gan và ruột của tôm nuôi. TS. Khoa cũng cho biết rằng Grobest đã xây dựng được trên 1.000 mô hình Grofarm với tỷ lệ thành công của mô hình này trong năm 2023 lên tới 93%. Đặc biệt, giá thành tôm nuôi loại 41-50 con/kg chỉ vào khoảng 77.400 đồng/kg, giúp người nuôi có tỷ suất lợi nhuận lên đến 61%.
Trong phần chia sẻ của Entobel, với tham luận: Thay thế đạm cá bằng đạm côn trùng, theo đại diện của đơn vị này, nếu chúng ta tăng sản lượng thủy sản nuôi lên thì chắc chắn nhu cầu về đạm bột cá cũng sẽ tăng theo, trong khi nguồn bột cá là có giới hạn do chủ yếu khai thác từ tự nhiên. Vì vậy, sử dụng thức ăn từ côn trùng sẽ là sự thay thế hoàn hảo vì không những đáp ứng tiêu chí về giá thành cạnh tranh mà còn đáp ứng tốt các yêu cầu về tín đồ carbon. Theo đó, nguồn đạm côn trùng mà Entobel đang sản xuất là từ ấu trùng của ruồi lính đen. Đây là một loại côn trùng rất dễ nuôi và nguồn thức ăn chủ yếu từ các phụ phẩm trong nông nghiệp.
Cũng theo đại diện của Entobel, việc nuôi ruồi lính đen để thu ấu trùng làm thức ăn thủy sản là rất tốt cả về mặt kinh tế lẫn môi trường vì ruồi lính đen có khả năng xử lý gần như tất cả chất thải hữu cơ. Bản thân loài ruồi này có độ kháng với rất nhiều vi khuẩn, virus, nấm, và trong ấu trùng của chúng cũng có rất nhiều acid amin có khả năng kháng với một số vi sinh vật gây bệnh cho tôm, trong đó có kháng chủng vibrio và kích thích hệ miễn dịch phát triển. Đại diện Entobel kết luận: “Nếu xét về góc độ kinh tế thì khi sử dụng thức ăn sản xuất từ ấu trùng ruồi lính đen sẽ cao hơn so với sử dụng bột cá, nhưng bù lại, hiệu quả sẽ cao hơn và đặc biệt còn có lợi ích rất lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính, giúp ngành tôm dễ đạt tiêu chí sản xuất xanh”.
Ngoài các tham luận trên, còn rất nhiều ý kiến khác liên quan đến vấn đề dinh dưỡng và vi sinh trong nuôi tôm được trình bày trong các phiên hội thảo của VietShrimp 2024. Ví dụ, Công ty BCF đã đề xuất giải pháp acid amin phối trộn vào thức ăn tôm để đảm bảo tốc độ tăng trưởng, giảm stress cho tôm và cải thiện vận chuyển oxy trong nước. Tham luận của Tổ chức USSEC cũng nhấn mạnh rằng các thách thức của ngành tôm đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, bao gồm cả sự hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực dinh dưỡng và vi sinh. Theo đại diện của tổ chức này, việc tăng cường tính bền vững và hiệu quả cho thức ăn là cần thiết thông qua tối ưu hóa các nguyên liệu sẵn có và việc sử dụng đạm thực vật thay cho đạm động vật. Đối với những người nông dân, USSEC khuyên họ cần phải hiểu rõ về chất lượng sản phẩm đầu vào, mức phát thải/kg trong từng mô hình, và phương pháp nuôi tôm.
Xuân Trường