(TSVN) – Hiện nay tình hình xuất khẩu cá tra vẫn chưa ổn định, số lượng doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu cũng giảm đã làm ảnh hưởng nhất định đến hoạt động nuôi cá tra của tỉnh.
Theo Cục Thống kê Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 2.119 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng 1,03% hay tăng 21,62 ha so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích nuôi cá tra công nghiệp là 370,8 ha, tăng 0,12% hay tăng 0,42 ha.
Ước tính bốn tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác đạt 44.812 tấn, tăng 2,01% hay tăng 883 tấn so với cùng kỳ năm trước; trong đó thủy sản nuôi trồng đạt 42.838 tấn, tăng 2,07% hay tăng 869 tấn. Riêng cá tra nuôi công nghiệp đạt 26.430,5 tấn, tăng 1,77%.
Nuôi cá tra quy mô lớn được tỉnh Vĩnh Long hướng đến. Ảnh: ST
Toàn tỉnh hiện có 208 cơ sở nuôi cá lồng, bè với 1.650 lồng, bè, tăng 10 chiếc; trong đó, đang thả nuôi 1.224 chiếc, tăng 25 chiếc so với cùng kỳ. Sản lượng thu hoạch cá lồng, bè bốn tháng đầu năm 2024 ước được 5.585 tấn, so cùng kỳ tăng 3,33% hay tăng 180 tấn. Vùng nuôi cá lồng, bè tập trung chủ yếu các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ và TP Vĩnh Long. Hiện nay, giá bán thức ăn thủy sản giảm, người nuôi thay đổi giống và đa dạng các loại cá khác ngoài cá điêu hồng như cá lăng nha, cá cóc, cá he, cá chốt, … có giá trị kinh tế cao hơn và cho năng suất cao, tỷ lệ hao hụt thấp.
Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra trên thị trường trong nước và quốc tế, ngành nông nghiêp tỉnh tập trung xây dựng các vùng nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, tiên tiến và bền vững; đồng thời hướng dẫn hộ, cơ sở nuôi từng bước áp dụng công nghệ số, công nghệ cao trong quy trình nuôi cá tra thâm canh để nâng cao chất lượng sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và truy xuất nguồn gốc.
Năm 2023, trong tỉnh có thêm 25 ha mặt nước nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP thuộc 1 HTX và 5 cơ sở nuôi, nâng tổng diện tích nuôi áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến của toàn tỉnh lên 55,8 ha (chiếm gần 16% tổng diện tích đang nuôi cá tra thâm canh của tỉnh).
Trong đó có 27 ha chứng nhận tiêu chuẩn ASC, 3,8 ha chứng nhận tiêu chuẩn BAP, 25 ha chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, với tổng sản lượng được chứng nhận là 11.845 tấn/năm (chiếm hơn 11% tổng sản lượng cá tra/năm).
Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn duy trì 1 cơ sở sản xuất giống cá tra 4,5 ha đạt chứng nhận VietGAP, cung cấp 54 triệu con giống/năm; có 24 cơ sở an toàn dịch bệnh. Hiện có 100% vùng nuôi cá tra thâm canh áp dụng máy bơm bùn, 18% diện tích cá tra đang thả nuôi áp dụng cơ giới hóa ở khâu cho ăn và thay nước.
Năm 2024 – 2025, tỉnh tiếp tục mở rộng phát triển nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, tiên tiến và bền vững, phấn đấu có thêm 55 ha/năm mặt nước nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận VietGAP và tương đương.
Bùi Định