(TSVN) – Hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Anh đang phải chịu tổn thất nặng nề bởi chất lượng nước ven biển ngày càng tồi tệ. Trong bối cảnh này, các nhà chức trách đang tích cực nghiên cứu và triển khai những giải pháp đồng bộ, nhằm sớm giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong số 27 quốc gia thành viên EU, Anh xếp sau cả Albania, ở vị trí thứ 5 về chất lượng nước ven biển. Gần đây, các trường đại học Oxford và Cambridge đã có kế hoạch hủy bỏ cuộc đua thuyền thường niên trên sông Thames do tình trạng ô nhiễm vi khuẩn E. coli đang ở mức báo động.
Theo một cuộc điều tra do Đảng Dân chủ Tự do Anh thực hiện, tình hình môi trường ven biển đã trở nên tồi tệ hơn kể từ năm ngoái. Các công ty cấp nước tại Anh đã xả nước thải chưa qua xử lý vào các khu vực nuôi trồng động vật có vỏ trong 192.000 giờ, tăng 20% so với 159.000 giờ của năm 2022.
Các trang trại nuôi hàu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn nước biển bị ô nhiễm
Ông David Jarrad, Giám đốc điều hành Hiệp hội Động vật có vỏ Vương quốc Anh (SAGB), cho biết, Hiệp hội này nhận được phản ứng của người tiêu dùng trên mạng xã hội, họ mạnh mẽ tuyên bố sẽ không sử dụng động vật có vỏ ở Anh do tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Điều này xảy ra mặc dù hầu hết các trang trại nuôi động vật có vỏ đều cách xa nguồn nước thải.
Tình trạng ô nhiễm đã làm tăng thêm chi phí cho ngành công nghiệp động vật có vỏ của Anh trị giá 22 triệu Bảng Anh (tương đương 27,6 triệu USD), mỗi năm sản xuất 12.200 tấn con trai và 3.000 tấn hàu. Các trang trại có thể bị buộc phải tạm thời đóng cửa hoặc thu hoạch sớm để giảm thiểu mức độ rủi ro trước tình hình này.
Theo cuộc điều tra của Đảng Dân chủ Tự do, từ năm 2020, đã có 108.360 trường hợp rò rỉ nước thải vào các vùng nước được chỉ định nuôi trồng động vật có vỏ. Đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong việc gây ra tình trạng ô nhiễm này là công ty South West Water. Hiện, công ty đang cung cấp nước và xử lý nước thải cho toàn bộ khu vực Devon, Cornwall, Dorset và Somerset. Số giờ xả nước thải vào khu vực nuôi trồng động vật có vỏ đã tăng gấp đôi từ 50.000 giờ vào năm 2022 lên 98.000 giờ vào năm ngoái. Tại vùng phía đông nam cũng tăng gấp đôi số giờ xả nước thải lên 73.000 giờ vào năm 2023.
Ông Jarrad cho biết, Hiệp hội đang yêu cầu các công ty xử lý nước phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho những hành vi đáng lên án này. Các công ty sẽ phải chi trả tất cả các chi phí liên quan đến việc làm sạch môi trường và bồi thường cho các doanh nghiệp nuôi trồng động vật có vỏ chịu ảnh hưởng trong khu vực.
Ngọc Minh
Theo Undercurrentnews