(TSVN) – Để góp phần gỡ “Thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu u (EC), các tỉnh có biển trên cả nước đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kiên quyết xử lý vi phạm về khai thác thủy sản.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa huy động cả hệ thống chính quyền vào cuộc để quyết tâm thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.
Tổng số tàu cá ở Thanh Hóa tính đến ngày 15/4 là 6.057 tàu, trong đó hoạt động ven bờ 4.246 tàu, vùng lộng 716 tàu, vùng khơi 1.095 tàu với hơn 25.000 lao động hoạt động tham gia khai thác hải sản trên biển và hàng chục ngàn lao động tham gia chế biến thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện tất cả tàu cá ở Thanh Hóa đã đăng ký được cập nhật đầy đủ vào Vnfishbase (cơ sở dữ liệu trực tuyến và đồng bộ cho quản lý thông tin về đăng ký, đăng kiểm tàu cá…).
Cán bộ Đồn Biên phòng Hoằng Trường, Thanh Hóa tuyên truyền cho ngư dân về chống khai thác IUU. Ảnh: Quốc Toản
Hiện tỉnh còn 70 tàu “ba không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác), 339 tàu hết hạn đăng kiểm, 41 tàu chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản, 46 tàu chưa cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 110 tàu chưa bật thiết bị giám sát hành trình trên sáu tháng.
Tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức đến với bà con ngư dân, chủ tàu cá, doanh nghiệp hoạt động chế biến thủy sản. Qua đó, ý thức chấp hành của ngư dân, chủ tàu đã được nâng lên.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cũng phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình kết quả thực hiện chống khai thác IUU, chia sẻ thông tin tàu cá, kết quả xử lý vi phạm.
Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là trong đợt cao điểm cùng với cả nước gỡ “thẻ vàng” như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân qua các hình thức thông tin trên các phương tiện truyền thông; tổ chức tập huấn, hướng dẫn về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành và quy định về chống khai thác IUU đến ngư dân, chủ tàu, tổ chức liên quan hoạt động khai thác hải sản…
Theo Sở NN&PTNT Nghệ An, hiện tỉnh có 3.462 tàu thuyền khai thác thủy sản, trong đó có 2.565 chiếc thuộc diện phải đăng ký. Đến ngày 30/4/2024, tỷ lệ đăng ký tàu cá đạt 90,37%; Giấy phép khai thác đạt 95,38%, cấp giấy an toàn thực phẩm 86,18%; đăng kiểm đạt 78,3%; lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 96,95%.
Hoạt động tuyên truyền pháp luật cho ngư dân được ngành chức năng tỉnh Nghệ An chú trọng. Ảnh: ST
Toàn tỉnh Nghệ An có 4 cảng cá, trong đó có 3 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc thủy sản. Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá và sản lượng thủy sản qua cảng đã được Ban Quản lý cảng cá và các Tổ Liên ngành thực hiện theo đúng quy trình và ngày càng nghiêm túc hơn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn số lượng tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản nhưng chưa có phương án theo dõi giám sát chặt chẽ: 247 tàu cá chưa đăng ký, 107 tàu chưa cấp phép, 342 tàu hết hạn đăng kiểm, 33 tàu chưa lắp VMS, 116 tàu cá mất kết nối VMS trên 6 tháng. Vẫn còn một lượng tàu cá khai thác vùng khơi nhưng không cập cảng cá chỉ định mà thường cập bến cá tự phát để bốc dỡ hàng hóa, sản phẩm thủy sản. Tiến độ xử lý của các cơ quan và chính quyền các cấp còn chậm…
Vừa qua, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 354/TB-UBND kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, để thực hiện mục tiêu cùng cả nước gỡ bỏ “thẻ vàng” về chống khai thác IUU và chuẩn bị tốt các nội dung làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương khẩn trương rà soát toàn bộ dữ liệu tàu cá, kể cả tàu cá xóa đăng ký; đảm bảo số liệu phải chính xác, khớp, thống nhất với dữ liệu trên hệ thống quốc gia VNFishbase… Hướng dẫn các chủ tàu thực hiện các thủ tục theo quy định và xử lý khi có vi phạm.
Theo Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, tỉnh hiện có gần 4.000 tàu đánh bắt xa bờ và có nhiều hòn đảo, cửa biển, đặc biệt là ngư trường khai thác tiếp giáp với nhiều nước. Do đó, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của lực lượng gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng An Thới (Kiên Giang) phát tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn về chống khai thác IUU. Ảnh: Tiến Vinh
Thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản, tỉnh Kiên Giang chỉ đạo hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; liên tục mở các đợt cao điểm tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến chống khai thác IUU.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang cũng thường xuyên trao đổi với Bộ đội Biên phòng Cà Mau, Hải quân vùng 5, Cảnh sát biển vùng 4 (vì tiếp giáp với Cà Mau) để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm tình hình trên biển; tuyên truyền, ngăn chặn, hạn chế, dần đi đến chấm dứt vi phạm khai thác IUU. Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, các lực lượng, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện ra vào các cảng.
Anh Vũ