Đây là năm đầu tiên Sóc Trăng có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vượt lên 6.233 ha, tăng ba lần so cùng kỳ năm 2012. Hiện nghề nuôi tôm ở đây đang có chuyển biến rõ nét về ý thức cộng đồng.
Những tín hiệu vui
Đến cuối tháng 6/2013, trên vùng nuôi tôm Sóc Trăng thả được 4,4 tỷ con giống trên diện tích 22.239 ha, đạt 87% kế hoạch, bằng 93% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó có 12.643 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, chiếm 57%.
Qua diễn biến tình hình tôm bị thiệt hại tính đến ngày 21/6, Sóc Trăng có 5.515 ha, chiếm 23% diện tích tôm thả nuôi, nhưng so năm 2012 giảm 37% diện tích thiệt hại. Đây là bước tiến đáng kể. Hơn nữa, phần diện tích tôm bị thiệt hại có biện pháp khắc phục giảm thiệt hại được 130 ha, chiếm 3% diện tích thả nuôi. Do đó, đến nay diện tích tôm thu hoạch được 2.086 ha, trong đó có 742 ha tôm sú và 1.343 ha TTCT. Năng suất nuôi tôm sú quảng canh cải tiến đạt 0,5 tấn/ha, nuôi thâm canh 3 – 4 tấn/ha, bán thâm canh 1,6 tấn/ha; năng suất nuôi TTCT đạt bình quân 5,1 tấn/ha. Sản lượng tôm Sóc Trăng từ đầu năm đến nay đạt 7.735 tấn, tăng 47,5% so cùng kỳ năm 2012; riêng TTCT đạt 6.850 tấn, tăng 3 lần so cùng kỳ năm trước.
Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng
Theo những người nuôi tôm ven biển Sóc Trăng, sau hai năm thất bại liên tiếp làm điêu đứng nghề nuôi tôm, vụ nuôi tôm năm 2013 bắt đầu có chuyển biến rõ nét về ý thức cộng đồng. Điều đó thể hiện qua cách thức các hộ nuôi tôm tham gia các HTX, Hiệp hội nuôi tôm. Hiện, Sóc Trăng có 20 HTX nuôi trồng thủy sản, với 1.720 xã viên. Trong đó có 12 HTX nuôi tôm, xã viên làm ăn liên kết, cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật quản lý nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh, bảo vệ môi trường và thả tôm đúng lịch thời vụ. Đã thấy một số HTX làm ăn hiệu quả khá, như Hòa Nghĩa, Hòa Đông, Hòa Lời, Ngọc Đông. Riêng Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh có 160 hội viên tham gia với 2.700 ha, bước đầu đã hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản.
Còn đó những nỗi lo
Hiện nay, đáng lo nhất vẫn là vấn đề quản lý nguồn nước. Một số công trình thủy lợi đã được nâng cấp nhưng chưa đồng bộ. Nhiều vùng nuôi còn dùng chung nguồn từ kênh cấp thoát nước. Với hộ nuôi nhỏ lẻ, đất ít không có điều kiện làm ao lắng, ao xử lý nước thải, khi thu hoạch hay ao bị dịch bệnh xả nước thải ra kênh rạch gây khó khăn trong quản lý nước tại vùng nuôi. Mặt khác, trong khi còn tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh thì yếu tố đầu vào là phần lớn tôm giống nhập từ ngoài tỉnh, biện pháp nào kiểm tra, quản lý chất lượng?
Ông Phạm Minh Tiền, Hiệp hội Nuôi tôm Mỹ Thanh nhận xét: Kết quả bước đầu vụ tôm năm nay cho thấy nghề nuôi tôm đang có lối ra. Các hộ nuôi thả tôm mật độ thưa, nuôi quảng canh và thâm canh thực hành quản lý tốt đều thành công. Môi trường đang có dấu hiệu phục hồi. Nếu quản lý tốt mật số vi khuẩn Vibrio trong ao nuôi sẽ hạn chế rất nhiều hội chứng hoại tử gan tụy cấp. Vấn đề người nuôi đặt ra hiện nay là biện pháp nào đề phòng hoặc khống chế mật số Vibrio hiệu quả và lâu dài, để an tâm khi đầu tư.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, lo ngại: “Thiệt hại ở Vĩnh Châu còn cao so với các vùng nuôi khác trong tỉnh. Việc quản lý vùng nuôi, dịch bệnh không chặt chẽ nên chính sách hỗ trợ chưa thực hiện được, gây khó khăn cho người nuôi, trong khi người nuôi đang thiếu vốn. Vì lẽ đó, nếu thả tôm với tiến độ như vừa qua, từ nay đến cuối vụ – tháng 7, Vĩnh Châu có thể chỉ đạt 60 – 70% kế hoạch. Đây là bài toán khó khăn nhất cho vụ tôm năm nay.
>> Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Từ đầu vụ nuôi tôm đến nay kết quả khả quan, tuy nhiên, từ nay đến cuối vụ vẫn còn khó khăn. Do vậy, cần tập trung tìm biện pháp giúp các hộ nuôi tôm và phấn đấu giảm tỷ lệ thiệt hại dưới 15%. Bên cạnh đó, trước diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường, người nuôi tôm phải chủ động các biện pháp đề phòng, hạn chế thiệt hại. |