(TSVN) – Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 725 triệu USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam nhiều nhất hiện nay, sau đó là thị trường Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường Nam Mỹ khác.
Mỹ hiện đang tăng cường nhập khẩu cá tra chế biến, giá trị gia tăng gấp 8,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, cá tra đông lạnh vào thị trường Mỹ lại giảm sút do nhu cầu của người tiêu dùng giảm.
Riêng fillet cá tra đông lạnh vẫn là mặt hàng chủ lực của xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu fillet cá tra đông lạnh sang Mỹ đạt hơn 120 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 98% tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ.
Nhiều thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam khởi sắc. Ảnh: ST
Tại thị trường châu Âu, mặc dù thị trường này sôi động trở lại từ tháng 4/2024 cho đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang thị trường này 5 tháng đầu năm nay ước đạt 70 triệu USD, nhưng có dấu hiệu sụt giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thị trường Đức vượt Hà Lan trở thành điểm đến lớn nhất của xuất khẩu cá tra Việt Nam trong khối châu Âu. Ngoài ra, tháng 5/2024, VASEP cũng ghi nhận nhiều thị trường trong khối châu Âu tăng trưởng dương về nhập khẩu cá tra Việt Nam bao gồm: Lithuania tăng 215%, Tây Ban Nha tăng 69%, Bỉ tăng 62%, Hy Lạp tăng 46%, Bồ Đào Nha tăng 15%…
Các doanh nghiệp cá tra đánh giá, thị trường châu Âu cần tập trung nhiều hơn vì nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng lớn. Bên cạnh tập trung các mặt hàng giá trị gia tăng, đảm bảo các tiêu chuẩn xanh vào thị trường này, các hoạt động truyền thông, tiếp thị cho mặt hàng cá tra tại thị trường này cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong khi đó, phục hồi và tăng trưởng kinh tế châu Âu trong năm nay sẽ là không dễ dàng trước những diễn biến ngày càng căng thẳng của cuộc xung đột Nga – Ukraine, cùng với xung đột ở Trung Đông, với những tác động đầy bất ổn và rủi ro cho triển vọng kinh tế của khối Liên minh này. Vì vậy, xuất khẩu thủy sản sang châu Âu, trong đó có cá tra, sẽ chịu ảnh hưởng của suy thoái chung toàn cầu. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường châu Âu. Đồng thời, việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của khối thị trường này về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng là các yếu tố quan trọng cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào châu Âu.
Bên cạnh đó, triển vọng xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc còn rất lớn. Ngoài ra là các thị trường như Canada, Colombia, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore…
Theo nhiều doanh nghiệp, áp lực tồn kho của doanh nghiệp đã giảm dần sẽ là cơ hội để tăng sản xuất và thực hiện những đơn hàng mới với mức giá tốt hơn. Thời gian gần đây, Trung Quốc giảm tồn kho nên tăng mua, đồng thời các thị trường Nam Mỹ như Colombia chuộng cá tra với giá rẻ nên tăng cường nhập khẩu cá tra Việt Nam. Nhìn chung, thị trường không thể hồi phục ngay lập tức, hay khởi sắc chỉ trong thời gian ngắn, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan của tình hình thế giới và cả nội tại doanh nghiệp, để thúc đẩy ngành cá tra trong những tháng tới.
Ngọc Diệp
VASEP cũng nhận định, với sự khởi sắc của chế biến và xuất khẩu cá tra hiện nay, ngành cá tra dự báo giá xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ tăng 10% trong quý III năm nay bởi sự cộng hưởng các yếu tố nhiên liệu, chi phí logistics, lãi suất ngân hàng hạ nhiệt. Đây là cơ hội cho toàn ngành cá tra Việt Nam.