(TSVN) – Sau đại dịch EMS, ngành tôm đã có sự thay đổi khá mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng ấn tượng khi sản lượng vượt qua cột mốc hơn 1 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, trước một năm đầy thách thức, đòi hỏi ngành hàng này phải thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là đổi mới khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả, giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh.
Những năm qua, ngành tôm nước ta đang mất dần vị thế bởi giá thành cao (từ 3,5 USD năm 2009 tăng lên 3,7 USD năm 2023 với tôm cỡ 50 – 60 con/kg), tỷ lệ chết trong quá trình nuôi có khi lên tới 40 – 50%. Hiện nay, giá thành tôm ở Việt Nam cao hơn so với nhiều nước có sản lượng tôm lớn của thế giới. Vì vậy, việc đổi mới công nghệ và các giải pháp để giảm giá thành là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm.
Ứng dụng công nghệ vào ngành nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm, đang mở ra những cơ hội vô cùng lớn cho các nhà sản xuất và doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế cùng với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, việc áp dụng các giải pháp công nghệ cao vào quá trình nuôi tôm không chỉ giúp tối ưu hóa hiệu suất sản xuất mà còn đảm bảo tính bền vững của ngành. Từ việc kiểm soát môi trường nuôi dưỡng, quản lý chất lượng nước, đến ứng dụng các phần mềm quản lý thông minh, tất cả đều góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.
Dấu ấn đầu tiên của khoa học công nghệ phải kể đến là công nghệ sản xuất tôm giống. Từ nguồn bố mẹ có khả năng kháng bệnh đến nguồn bố mẹ tăng trưởng nhanh, sạch bệnh mang thương hiệu uy tín trên thế giới như: Hawaii, SIS của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn Thủy sản Việt Úc… đều đã có mặt tại các trung tâm sản xuất giống lớn trên cả nước, mỗi năm cung ứng cho các vùng nuôi hàng chục tỷ tôm post có chất lượng, với 2 đối tượng chính là tôm sú và TTCT. Sự có mặt của nguồn tôm giống thế hệ mới này đã làm thay đổi tư duy, phương thức nuôi, góp phần đưa sản lượng tôm nuôi cả nước vượt 1 triệu tấn từ năm 2022 đến nay.
Cùng đó, các mô hình, phương thức nuôi cũng dần thay đổi khi doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào đa phần đều kèm theo mô hình nuôi của riêng mình. Có thể kể đến, như: mô hình TLSS, TLSS 543 của Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long; mô hình “3 tốt” của Công ty TNHH Uni – President; Mô hình CPF – Combine Model của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam; mô hình Gro-Farm của Công ty TNHH Grobest Industrial (Việt Nam)… Các mô hình trên đều có tỷ lệ thành công rất cao, từ 70% đến hơn 90% và năng suất bình quân từ vài chục đến hơn 100 tấn/ha ao nuôi/năm.
Mô hình nuôi thay đổi kéo theo hàng loạt tiến bộ khoa học công nghệ được ứng dụng vào nghề nuôi tôm, như: hệ thống quạt và ôxy đáy, gần đây nhất còn có hệ thống tạo ôxy Nano bubble; máy cho ăn tự động; công nghệ xử lý nước nhanh; công nghệ xử lý nước thải và chất thải thông qua hầm ủ Biogas; thiết bị quan trắc tự động các chỉ tiêu môi trường ao nuôi kết nối qua mạng wifi…
Trên lĩnh vực dinh dưỡng cho tôm nuôi cũng được các doanh nghiệp không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để sản phẩm ngày một hiệu quả hơn, như: thức ăn chức năng cho giai đoạn ương tôm; thức ăn có phối trộn enzyme… cùng hàng loạt các khoáng chất cần thiết cho tôm nuôi trong những điều kiện khó khăn, như: nuôi độ mặn thấp, nuôi mật độ cao… Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ vi sinh vào xử lý môi trường ao nuôi đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành tôm theo phương châm: “Dùng thiên nhiên để cải thiện thiên nhiên”, giúp môi trường ít bị ô nhiễm hơn, nâng cao chất lượng tôm nuôi.
Hiện Việt Nam có khá nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đạt tỷ lệ thành công cao và giá thành hợp lý. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào nghề nuôi còn hạn chế, nên số diện tích nuôi theo mô hình công nghệ cao khá ít. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu là do đa phần người nuôi có diện tích nhỏ và thiếu vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; nguồn nước phục vụ nghề nuôi tại một số vùng chưa đáp ứng nhu cầu nuôi công nghệ cao…
Đa phần người nuôi đều muốn cải tạo, nâng cấp mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao tỷ lệ thành công, tăng lợi nhuận. Thế nhưng, rào cản lớn nhất để người nuôi mạnh dạn thay đổi là do thiếu vốn đầu tư. Vì vậy, giải bài toán về vốn cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng, nếu không muốn nói là hàng đầu để khơi thông dòng chảy khoa học công nghệ đến tất cả các vùng nuôi tôm.
Hiện nay, công nghệ nuôi tôm hiệu quả nước ta không thiếu. Thế nhưng, việc chọn ứng dụng công nghệ nào cho phù hợp và hiệu quả thì người nuôi cần cân nhắc trên cơ sở khả năng tài chính, trình độ kỹ thuật, tay nghề, đặc thù vùng nuôi… Và một khi đã chọn thì phải đầu tư đến nơi đến chốn mới mang lại hiệu quả cao”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh.
An Xuyên