(TSVN) – Nuôi cá “sông trong ao” (IPRS) giúp quản trị được sự thất thoát ngay từ khâu con giống, giải quyết được căn bản những yếu tố như: tổn thất đầu con, những yếu tố ngoại lai xâm phạm. Đồng thời, diện tích nuôi nhỏ giúp thuận lợi hơn trong quản trị và khâu chăm sóc. Rủi ro dịch bệnh được hạn chế tối đa. Qua đó giảm thiểu đáng kể việc sử dụng kháng sinh trong nuôi cá rô phi thâm canh.
Công nghệ nuôi cá “sông trong ao” dựa trên nguyên lý cơ bản là tạo môi trường nước trong sạch và dòng chảy liên tục trong ao bằng hệ thống máng nuôi với thiết bị thổi khí nén, thiết bị đảo nước tạo ôxy… đặc biệt là hệ thống thu gom phân, chất thải của cá được lắp đặt ở vị trí cuối máng nuôi. Có 3 nguyên tắc khoa học cơ bản của công nghệ “sông trong ao” bao gồm:
Nuôi nhốt – giới hạn không gian nuôi: Trong ao được xây dựng các máng bằng gạch và xi măng để nuôi nhốt cá. Để nuôi đạt hiệu quả kinh tế, cần có ít nhất 3 máng kề nhau và như thế, ao tối thiểu phải có 30.000 m³ nước. Khi ao càng rộng thì làm nhiều máng hơn và hiệu quả sẽ cao hơn.
Dòng chảy/O²/tuần hoàn: Hệ thống máng có máy thổi khí (thể tích lớn, áp suất khí ra thấp và có dàn tạo bọt. Ứng dụng nguyên lý khí dâng và mái tạo góc, có phao nổi để duy trì độ sâu của dàn tạo bọt.
Loại bỏ chất thải rắn: Nhằm loại bỏ nhu cầu tiêu thụ ôxy sinh học cho hệ thống, cải thiện ôxy hòa tan giúp cá khỏe hơn và chuyển hóa dinh dưỡng tốt hơn. Đồng thời, tạo phụ phẩm có ích và thương mại cho nông nghiệp và có thể sản xuất khí ga sinh học.
Ao nuôi phù hợp để áp dụng công nghệ này có diện tích khoảng 10.000 m², đáy ao bằng phẳng, độ sâu mực nước là 2 m, tổng thể tích nước trong ao luôn duy trì ổn định khoảng 20.000 m³. Thể tích nước ao bên ngoài quyết định số máng nuôi, yêu cầu tối thiểu 10.000 m3/máng. Máng nuôi cá được xây bằng gạch vữa xi măng, bên ngoài trát nhẵn, đáy máng bằng bê tông và cũng được trát nhẵn, hai đầu máng có cổng chắn bằng lưới thép không rỉ hoặc bọc nhựa PVC để ngăn giữ cá.
Bên ngoài máng nuôi, có thể thả thêm các loài cá không ăn thức ăn trực tiếp (cá ăn lọc) như mè trắng, mè hoa… để làm sạch môi trường nước. Đồng thời, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy các chất hữu cơ dư thừa để cân bằng hệ sinh thái và làm sạch môi trường.
Mùa vụ: Có thể thả quanh năm, tuy nhiên, thời điểm thích hợp nhất là vào đầu mùa mưa, tháng 4 – 6.
Thả giống: Trước khi thả, để loại trừ mầm bệnh ký sinh trên cá, người nuôi nên tắm bằng nước muối 2 – 3% (20 – 30 g muối/lít nước) trong 3 – 5 phút. Thời điểm thả cá giống tốt nhất là lúc trời mát. Trước khi thả, cần cho túi chứa cá vào nước khoảng 20 – 30 phút, giúp cá quen dần với nhiệt độ môi trường nước ao.
Mật độ: Thông thường, với cỡ cá khoảng 4 – 6 cm/con, thả mật độ 5 con/m²; tuy nhiên, nếu nuôi thâm canh, có thể thả khoảng 10 – 15 con/m.
Thức ăn: Có thể sử dụng nhiều loại thức ăn để nuôi cá rô phi nhưng tốt nhất là sử dụng thức ăn công nghiệp; trong đó, sử dụng thức ăn công nghiệp dạng viên nổi, sẽ hạn chế sự thất thoát và giảm thiểu ô nhiễm nước trong lồng nuôi.
Công nghệ “sông trong ao” giúp tiết kiệm được nguồn nước, đất, năng lượng, nhân công; bảo vệ môi trường tốt vì loại bỏ hơn 70% lượng chất thải rắn, quá trình nuôi không thay nước.
Cá được nuôi trong điều kiện nước chảy, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, được sinh trưởng trong môi trường trong sạch và kiểm soát chất lượng các yếu tố đầu vào, do đó chất lượng thịt cá săn chắc, không có mùi bùn, thơm ngon hơn so với nuôi trong ao nước tĩnh truyền thống. Hệ thống máng IPRS có thể giúp chủ động nguồn nước tại chỗ, không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước cấp bổ sung, nước trong ao không cần thay thế mà có thể sử dụng tuần hoàn liên tục nhiều năm. Khi đưa cá vào nuôi đến một mức độ ổn định, cân bằng giữa các loài cá nuôi và thủy sinh vật được thiết lập sẽ tự làm sạch môi trường, hình thành hệ sinh thái ổn định. Thức ăn thừa và chất thải của cá được thu gom bằng hệ thống hút tự động, được xử lý qua biogas hoặc hút ra ngoài để làm phân vi sinh. Nước sau khi lắng lọc có thể đưa trở lại để bổ sung cho hệ thống ao nuôi. Chất thải và thức ăn thừa có thể được xử lý bằng chế phẩm sinh học hoặc biogas để làm phân bón.
Công nghệ “sông trong ao” có thể là tương lai của NTTS, bởi bối cảnh biến đổi khí hậu khốc liệt, yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm ngày càng cao
Phạm Hải