(TSVN) – Thông tin từ Cục Thống kê Bình Thuận, sản lượng nuôi trồng trong tháng 5/2024 ước đạt 696,5 tấn. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng ước đạt 3.355,9 tấn, tăng 2,6% so cùng kỳ năm trước (trong đó cá các loại đạt 1.523,8 tấn, tăng 3,4%; tôm nuôi nước lợ đạt 1.752,1 tấn, tăng 1,8%).
Theo đó, diện tích nuôi trồng trong tháng 5/2024 ước đạt 219,2 ha. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 diện tích ước đạt 1.062,4 ha, tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước (trong đó: diện tích nuôi cá đạt 771 ha, tăng 2%; diện tích nuôi tôm đạt 271 ha, tăng 4%).
Tình hình sản xuất tôm giống của địa phương tương đối ổn định, nhu cầu tôm giống trên thị trường đang tăng cao do vào vụ nuôi chính, các cơ sở sản xuất tôm giống đang đầu tư đẩy mạnh sản xuất. Sản lượng tôm giống sản xuất trong tháng đạt khá, ước đạt 1,9 tỷ con; lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9,2 tỷ con, tăng 2,1% so cùng kỳ năm trước.
Bình Thuận ưu tiên phát triển những loài có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn. Ảnh: Minh Vân
Hiện, nuôi trồng thủy sản trên biển của địa phương đang phát triển khá mạnh, tập trung ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Phú Quý và TP Phan Thiết. Những khu vực nuôi này chủ yếu nằm ở ven bờ, ven đảo là những eo nhỏ, được che chắn gió bởi các mũi nhỏ nhô ra biển. Toàn tỉnh hiện có 7 khu vực biển đang triển khai nuôi trồng thủy sản, với 129 hộ/142 bè/3.081 lồng nuôi. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loại cá biển như: cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè quỵt, cá bè vàng và các loại tôm hùm.
Để thực hiện Đề án phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong thời gian tới Sở NN&PTNT Bình Thuận sẽ thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh nghề nuôi trồng thủy sản tại các địa phương theo điều kiện sinh thái từng vùng và có ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo đột phá trong nuôi trồng thủy sản trên biển. Phát triển nuôi đa loài trong khu vực nuôi nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước và giảm nguy cơ dịch bệnh, trong đó ưu tiên những loài có giá trị kinh tế cao, sản lượng lớn.
Đặc biệt, sẽ hình thành mô hình quản lý cộng đồng gắn với sinh kế người dân địa phương. Đồng thời, phát triển nuôi biển trên địa bàn tỉnh phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, chiến lược phát triển ngành thủy sản và quy hoạch tỉnh. Theo đó, vùng nuôi biển tỉnh Bình Thuận được chia thành 2 vùng: Vùng hải đảo xã Tam Thanh – huyện Phú Quý, phát triển nuôi cá lồng bè như: cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng, cá chẽm… và nuôi thủy sản khác như tôm hùm xanh, tôm tít, ghẹ, trai ngọc… Thứ 2 là vùng ven biển huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam. Phát triển nuôi cá lồng bè và các đối tượng nhuyễn thể như vẹm xanh, hàu, ốc hương.
Cùng đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thu hút doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ hiện đại đầu tư vào Khu sản xuất giống thủy sản tập trung Chí Công; giữ vững thương hiệu và sản lượng tôm giống Bình Thuận, khẳng định vị thế trung tâm cung ứng tôm giống quốc gia…
Duy An