(TSVN) – Vọp (Geloina coaxans) là loài nhuyễn thể có kích cỡ thương phẩm lớn, ngày càng được ưa chuộng do hàm lượng protein cao và chất lượng thịt thơm ngon (Ismail, 2015). Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, nghề nuôi vọp đã xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau, điển hình là nuôi vọp dưới tán rừng ngập mặn.
Vùng bãi triều có cây ngập mặn. Ao sinh thái cây ngập mặn. Nền đáy vùng nuôi là cát bùn (20 – 30% bùn).
Hình thức nuôi ghép trong ao sinh thái rừng ngập mặn: Khu vực nuôi vọp trong ao nuôi sinh thái được khoanh lưới mùng (ruồi) tạo hàng rào song song và cách bờ ao khoảng 10 m, phần giáp bờ ao không quây. Mực nước trong ao từ 1 – 1,2 m.
Cắm tre và quây lưới xung quanh vùng nuôi, lưới cao 1 m, cọc cao 1,5 m, cọc cắm sâu 0,5 m, lưới chôn vào nền đáy 0,2 m, khoảng cách cắm cọc 2 m/cọc.
Cải tạo: Tháo cạn nước, phơi mặt ao từ 5 – 7 ngày nhằm tăng độ khoáng hóa đất, giải phóng khí độc, đồng thời tạo thông thoáng ở các kênh mương, giúp phần lá cây dễ dàng phân hủy, kích thích sinh vật đáy phát triển làm thức ăn tự nhiên cho vọp nuôi. Dùng vôi bột rải đều đáy và bờ ao với liều lượng từ 10 – 15 kg/100 m² ao. Dùng Saponin diệt cá tạp. Cấp nước vào ao qua lưới chắn lọc, mực nước khoảng 1 – 1,2 m, tiến hành gây màu nước. Sau 5 – 7 ngày nước trong ao có màu xanh lá chuối non thì tiến hành thả giống vọp. Sử dụng chế phẩm sinh học ổn định môi trường trước khi thả giống.
Hình thức nuôi bãi triều rừng ngập mặn: Quây lưới giống như nuôi ghép trong ao sinh thái rừng ngập mặn để bảo vệ và tránh vọp di chuyển. Cần san bằng nền đáy, loại bỏ rong rác; gốc, cành cây chết và tiến hành quây lưới như quây trong ao nuôi.
– Tiêu chuẩn vọp giống: Có kích thước đồng đều, màu xám nâu tự nhiên, không hé miệng, không có dấu hiệu bệnh tật.
– Kích cỡ : 4.000 – 5.000 con/kg (0,2 – 0,25 g/con).
– Mật độ thả : 35 – 40 con/m².
– Thả giống : Vào lúc sáng sớm hay chiều mát; khi thả ngâm khay vọp giống xuống ao khoảng 10 – 15 phút để cân bằng nhiệt độ.
– Thả con giống vào khoảng tháng 2 – 3 dương lịch. Thả giống khi lấy nước vào ngập bãi để tránh vọp bị vùi lấp dưới bùn. Chọn những nơi có bùn đáy khoảng 20 – 30 cm là tốt, nơi có lớp đất mềm, dẻo. Rải vọp giống phân tán đều khắp bãi. Lưu ý, thời gian vận chuyển vọp giống không quá 24 giờ sau khi khai thác.
Thức ăn tự nhiên của vọp là mùn bã hữu cơ phân hủy từ lá cây ngập mặn và các loài tảo, chỉ cần lấy nước ra vào thường xuyên để cải thiện chất lượng nước, kích thích cho vọp sinh trưởng phát triển.
Lấy nước còn giúp cho rong tảo tự nhiên và các sinh vật phù du phát triển làm nguồn thức ăn cho vọp, tôm và các vật nuôi khác. Khi mất màu nước thì bón phân hữu cơ để tảo phát triển làm thức ăn cho vọp.
– Trong quá trình nuôi, duy trì màu nước thích hợp, độ trong 30 – 40 cm. Theo dõi các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời.
– Định kỳ 5 – 7 ngày thay nước một lần trong ao, lượng nước thay từ 30 – 50% lượng nước trong ao.
– Cần đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng sinh trưởng và phát triển của vọp: Nhiệt độ thích hợp nhất là 15 – 30oC; Ðộ mặn phù hợp là 10 – 29‰, khi độ mặn < 10‰ thì vọp vẫn sống vùi trong đáy, tuy nhiên phát triển chậm.
Người nuôi cần thực hiện quy trình cải tạo đúng kỹ thuật.
Chọn vọp có chất lượng tốt, thả đúng mùa vụ.
Quản lý tốt môi trường và thức ăn tự nhiên theo khuyến cáo.
Định kỳ 1 tháng/lần bắt vài con lên kiểm tra bệnh tật và tốc độ phát triển.
Thường xuyên quan sát, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường như: hở miệng, gờ sinh trưởng đen, có mùi tanh, vọp trồi lên mặt bãi… để có biện pháp xử lý thích hợp.
Sau thời gian nuôi khoảng 8 tháng là có thể thu hoạch vọp. Thời điểm đó, vọp đạt kích cỡ 35 g/con (25 – 28 con/kg). Người nuôi có thể thu hoạch từng phần hoặc thu toàn bộ vọp nuôi.
Trung tâm Khuyến nông Bình Định