(TSVN) – Sáng ngày 20/6 tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Đại sứ quán Canada tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”. Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp, tham dự có ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển, Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, cơ quan thực hiện dự án phía Canada và các đơn vị liên quan.
Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO) do Chính phủ Canada viện trợ không hoàn lại 15 triệu đô la Canada (tương ứng 10.904.005 USD). Bộ NN&PTNT là cơ quan chủ quản triển khai với sự phối hợp của Bộ Y tế, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan về an toàn thực phẩm tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, SAFEGRO sẽ thu hút các nhà sản xuất (bao gồm các nông hộ nhỏ) và khu vực tư nhân để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp thông minh và thân thiện với môi trường, phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc bền vững. Cùng đó, hướng tới việc nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và thúc đẩy thay đổi hành vi dẫn tới gia tăng nhu cầu, tiêu thụ nông sản an toàn, giá cả phải chăng của người tiêu dùng Việt Nam.
Các đại biểu tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” (SAFEGRO)
Báo cáo kết quả thực hiện Dự án (từ 1/4/2023 – 31/3/2024), ông Brian Bedard, Giám đốc Dự án SAFEGRO cho biết: Dự án đã hoàn thành 10/20 hoạt động, 5 hoạt động đang triển khai tốt, 3 hoạt động mới bắt đầu và 2 hoạt động chưa triển khai. Đối với hợp phần liên quan đến môi trường chính sách, Dự án đã rà soát, hỗ trợ sửa đổi và cập nhật 2 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới an toàn thực phẩm hiện hành gồm: Báo cáo đề xuất hoàn thiện Sổ tay về Chương trình giám sát dư lượng chất độc trong vật nuôi và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi dùng làm thực phẩm; Báo cáo đề xuất hoàn thiện Sổ tay về Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật khác đang trong quá trình nghiên cứu và xây dựng phù hợp với chuẩn quốc tế.
Đáng chú ý tại TP Hồ Chí Minh, các hoạt động hỗ trợ chuỗi giá trị đang bắt đầu. Trên cơ sở đánh giá 7 chuỗi giá trị thực phẩm nông nghiệp, Dự án đã xây dựng 3 kế hoạch nâng cấp chuỗi và ký MOU để hỗ trợ thực hiện với đại diện của các chuỗi ưu tiên, trong đó có chuỗi thủy sản Cần Giờ Tương Lai (HTX Cần Giờ), qua đó góp phần cải thiện thực hành tốt theo tiêu chuẩn VietGAP và BAP tại các cơ sở nuôi trồng. Riêng chuỗi giá trị thủy sản, với sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án, cơ sở chế biến của HTX Cần Giờ đã chủ động sửa chữa, bố trí lại các khu vực sản xuất theo thiết kế do Dự án đề xuất để đảm bảo tiêu chuẩn HACCP. Dự án đang tập huấn và hỗ trợ cơ sở chế biến tự xây dựng kế hoạch HACCP để đảm bảo tính bền vững.
Giám đốc Dự án Brian Bedard trình bày kết quả thực hiện Dự án trong 1 năm qua
Trong quá trình thực hiện Dự án tại các địa phương, Giám đốc Dự án Brian Bedard cũng nêu ra một số khó khăn như mức độ áp dụng VietGAP ở Việt Nam còn rất hạn chế và việc áp dụng còn mang tính hình thức do cơ chế thực thi chưa đủ mạnh; chính vì vậy, chưa tạo ra “cầu và cung” các sản phẩm thực phẩm an toàn. Hiện tại, mới có Cục Trồng trọt và Cục Thủy sản yêu cầu dự án về xây dựng yêu cầu chung đối với VietGAP, TCVN cho trồng trọt và TCVN nuôi cá lồng, xây dựng cơ sở dữ liệu và thương hiệu cho VietGAP. Đại diện Dự án đề xuất Bộ NN&PTNT có chỉ đạo cụ thể, đối với các đơn vị liên quan, bao gồm Cục Trồng trọt, Cục Thủy sản, Cục Chăn nuôi xây dựng yêu cầu chung đối với VietGAP cho cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản; bên cạnh đó cần có sự tham gia của các đơn vị này với Trung tâm chuyển đổi số để xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất phục vụ công tác quản lý nhà nước và nhu cầu của người các bên liên quan.
Về Kế hoạch cho giai đoạn từ 1/4/2024 đến 31/3/2025, Dự án sẽ triển khai 21 nhiệm vụ chính trong đó, Ban Quản lý Dự án sẽ phối hợp cùng Cục Thủy sản xây dựng sổ tay Chương trình giám sát dư lượng chất độc trong vật nuôi và sản phẩm động vật thuỷ sản nuôi dùng làm thực phẩm; Sổ tay Chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ; Đánh giá thực trạng áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thuỷ sản lồng bè và dự thảo TCVN để tham vấn; Triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số cho Chuỗi thủy sản Cần Giờ,…
Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng Dự án đã tiếp cận đa dạng các lĩnh vực của ngành nông nghiệp
Tham dự cuộc họp, Ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy chia sẻ, Dự án đã có những kết quả quan trọng, tiếp cận đa dạng trong nhiều lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Trong đó, VietGAP là hướng đi bền vững của ngành thủy sản để tiếp cận sâu rộng với thị trường. Ông Cẩn cho biết, trong tuần tới, Việt Nam sẽ chủ trì cuộc họp với các quốc gia ASEAN để bàn về tiêu chuẩn, hướng tới đánh giá, chứng nhận chung của khối đối với nhóm rong biển và cá cảnh. Nhân dịp này, ông Cẩn đề xuất Ban Quản lý Dự án SAFEGRO cần đa dạng cách thức tiếp cận, tuyên truyền để phát triển nhân rộng các mô hình tốt, quảng bá những sản phẩm thực phẩm an toàn tới người tiêu dùng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá cao sự giúp đỡ của Canada trong Dự án nâng cao ATTP tại Việt Nam
Thay mặt Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án đánh giá cao sự giúp đỡ của Canada trong việc nâng cao an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, Dự án đã xây dựng 31 quy trình về an toàn thực phẩm ở các mô hình, đã hình thành quy trình hướng dẫn thông qua các mô hình cụ thể. Qua nghe báo cáo kết quả thực hiện Dự án tại một số tỉnh thành trọng điểm như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng đề nghị Ban Quản lý Dự án tiếp thu ý của góp ý của các bên để bổ sung hoàn thiện thực hiện sao cho hiệu quả. An toàn thực phẩm chính là an ninh quốc gia, từ đó đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Thứ trưởng cho rằng, từ các mô hình thực tế này, chúng ta cần rút kinh nghiệm để thực hiện các mô hình khác, giúp đưa ra quy trình tổng kết, nhân rộng tại địa phương.
Ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển, Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam phát biểu
Với vai trò là đồng trưởng Ban chỉ đạo của Dự án, ông Brian Allemekinders, Tham tán Phát triển, Trưởng ban Hợp tác phát triển Đại sứ quán Canada tại Việt Nam ghi nhận tầm quan trọng của Dự án cũng như mối quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và Canada. Ông hy vọng những kinh nghiệm về an toàn thực phẩm của Canada sẽ giúp cải nâng cao việc cải thiện chất lượng an toàn thực phẩm tại Việt Nam. Khi nhận thức về an toàn thực phẩm của đại bộ phận người sản xuất và tiêu dùng được nâng lên, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại xuất khẩu. Đó là đích bền vững mà chúng ta cùng hướng đến.
Thùy Khánh