Trà Vinh: Nhiều diện tích tôm nuôi bị thiệt hại

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo Cục Thống kê Trà Vinh, 5 tháng đầu năm 2024, thời tiết diễn biến phức tạp đã làm biến động môi trường nước, khiến mầm bệnh phát sinh, gây thiệt hại trên nhiều diện tích tôm nuôi.

Với 65 km đường bờ biển, Trà Vinh có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển nghề nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi tôm nước lợ được xác định là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Năm 2023 diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng của tỉnh đạt 31.650 ha, sản lượng đạt 90.031 tấn, giá trị sản xuất đạt 7.359 tỷ đồng. Năm 2024, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng diện tích hơn 31.000 ha, tổng sản lượng thu hoạch khoảng hơn 97.000 tấn, tăng hơn 7.000 tấn so năm 2023. 

Nhiều diện tích tôm nuôi ở Trà Vinh bị thiệt hại do dịch bệnh trong 5 tháng đầu năm 2024 (Ảnh minh họa). Ảnh: ST

Hiện, ngành tôm của Trà Vinh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, dịch bệnh là một trong những rủi ro gây ra tổn thất nặng nề nhất về mặt tài chính cho người nuôi. Những tháng đầu năm 2024, thời tiết trên địa bàn tỉnh có nắng nóng rất gay gắt, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá cao diễn ra liên tục đã làm biến động xấu môi trường nước trên các nhánh sông và ao nuôi, ảnh hưởng lớn sức khỏe tôm, khiến nhiều diện tích tôm bị chết. 

Theo đó, lũy kế 5 tháng đầu năm 2024 đã có 36,94 triệu con tôm sú thiệt hại (chiếm 5,5% lượng con giống thả nuôi) với diện tích 186 ha và 333,98 triệu con tôm thẻ chân trắng (chiếm 12,49% trọng lượng con giống thả nuôi), diện tích 398,8 ha.

Thời gian gần đây, tranh thủ trên địa bàn xuất hiện nhiều cơn mưa, thời tiết đã giảm nắng nóng gay gắt, độ mặn trên các sông xuống thấp, nhiều nông dân tại các vùng ven biển trong tỉnh Trà Vinh đã tập trung đã tôm giống nuôi. Do đó, để hạn chế thiệt hại, ngành chức năng Trà Vinh khuyến cáo nông không quá nóng vội thả tôm giống nuôi khi chưa xử lý ao nuôi đảm bảo an toàn. Ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục cử cán bộ chuyên môn xuống địa bàn cùng Phòng NN&PTNT các huyện vùng ven biển để hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp xử lý tạp chất môi trường nước ao nuôi đầu mùa mưa, cách chăm sóc, phòng bệnh cho tôm nuôi giai đoạn mới thả đến 30 ngày tuổi… 

Cùng đó, người nuôi cần theo dõi, quan trắc môi trường nguồn nước cấp, nước trong ao nuôi, đo nhiệt độ nước trong ao nuôi ít nhất 2 lần/ngày. Đảm bảo cung cấp đủ ôxy cho tôm. Theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi để hạn chế thấp nhất biến động xấu.

Thanh Hiếu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!