Tăng cường kiểm soát tôm hùm đất

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Được xác định là sinh vật ngoại lai, có nguy cơ xâm hại lớn nhưng thời gian gần đây, tình trạng tôm hùm đất đang được bán tràn lan trên mạng và tại một số chợ đầu mối hải sản. Trước vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có Công văn đề nghị tăng cường kiểm soát tôm hùm đất nhằm bảo vệ môi trường, tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Khảo sát trên các chợ hải sản trên mạng xã hội cho thấy, tôm hùm đất sống, nhập từ Trung Quốc hiện được rao giá bán lẻ với mức từ 360.000 – 370.000 đồng/kg. Giá này đang đắt hơn tôm sú, tôm càng và tôm bạc của Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ngày 3/4/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng đã chủ trì phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, kiểm tra, thu giữ hai kiện hành lý cất giấu khoảng 60.000 con tôm hùm đất giống sống (trị giá ước tính hơn 5 tỷ đồng) vận chuyển qua đường hàng không từ Singapore về Sân bay quốc tế Đà Nẵng.

Một đầu mối buôn hàng hải sản tại Hà Nội, có bán tôm hùm đất cho hay, chị bán tôm hùm đất vì có khách hàng xem tiktok rồi hỏi nên cũng nhập về bán. Tôm hùm đất sống thường được đóng sẵn từng kg vào một túi lưới, sau đó bỏ vào thùng xốp có cho đá lạnh. Về đến Hà Nội tôm vẫn sống khỏe mạnh. Nhiều nhà hàng, quán ăn cũng đặt để nướng, sốt phục vụ khách. Tôm này để vài ngày vẫn sống, không dễ chết như tôm thường. Loại 35 con/kg giá 330.000 đồng/kg, tươi sống, thịt chắc, gạch nhiều. Có loại 28 – 30 con/kg nhưng giá 370.000 đồng. Với loại này, nếu 1 – 2 năm trước có giá 450.000 – 500.000 đồng/kg. Nếu muốn ship về tỉnh hoặc đi xa, khách phải trả thêm phí 60.000 – 80.000 đồng.

Tại TP Hồ Chí Minh, thùng tôm hùm đất 10 kg, size 25 – 35 con/kg được rao bán với giá chỉ 220.000 đồng/kg. Lý giải vì sao giá rẻ hơn thị trường, thậm chí hơn ở đầu Hà Nội, chủ đại lý này cho biết là do hàng nhập trực tiếp với số lượng lớn từ Trung Quốc và đông lạnh vào nên chi phí rẻ và bảo đảm hàng vẫn tươi ngon nhờ cấp đông nhanh ngay khi còn sống. Bên cạnh việc mua bán loại tôm hùm đất còn sống, chưa chế biến, nhiều nhà hàng, quán ăn cũng đang giới thiệu thực đơn gồm tôm hùm đất đã chế biến sẵn với giá 150.000 – 350.000 đồng/phần.

Tôm hùm đất (Procambarus clarkii) được xác định là sinh vật ngoại lại có nguy cơ xâm hại. Cụ thể, khoản 7 Điều 7 và Điều 50 Luật Đa dạng sinh học số đã quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại (bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại). 

Theo Phụ lục IV ban hành kèm Nghị định số 37 ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26 ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều về biện pháp thi hành Luật Thủy sản, tôm hùm đất không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam. Thông tư số 35 ngày 28/12/2018 của Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng quy định rõ tôm hùm đất thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Bộ NN&PTNT đã từng có công văn hỏa tốc yêu cầu các tỉnh, thành và cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, truy quét. Bộ này yêu cầu nếu phát hiện phải tiêu hủy ngay, đồng thời xử nghiêm các hành vi buôn bán để tránh phát tán loại sinh vật ngoại lai này ra môi trường.

Theo các chuyên gia thủy sản, tôm hùm đất có thể trở thành đại họa của ngành nông nghiệp. Bởi tập tính của chúng là sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm. Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100 – 200 cm, sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0 – 370C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến…

Gs. Đặng Huy Huỳnh, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, tôm hùm đất có thành phần hàm lượng vỏ rất nhiều, thịt ít, chất lượng thịt bình thường; nhưng nếu để chúng tồn tại ngoài môi trường tự nhiên thì cực kỳ nguy hại. Cách ngăn chặn duy nhất là cấm hoàn toàn việc nhân nuôi và sử dụng thực phẩm từ tôm hùm đất, không cho phép bán, trao đổi, kinh doanh trên thị trường.

Còn TS. Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật thông tin, nguy hại nhất của tôm hùm đất là khả năng đào hang, đẻ trứng của chúng. Do thích nghi được với nhiều điều kiện môi trường khác nhau nên chúng sinh sôi nhanh, khả năng đào hang khỏe, có thể làm hỏng hệ thống kênh mương, thủy lợi. Trước đây đã có những nghiên cứu về loài tôm này, khuyến cáo đưa ra là không nhân nuôi loại tôm này, tránh các nguy cơ cho các loài sinh vật khác.

Để để kịp thời ngăn chặn và quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng tôm hùm đất bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp; ngày 19/6/2024 Tổng cục Hải quan có Công văn số 2842/TCHQ-GSQL gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm soát tôm hùm đất. Do đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan, Đội kiểm soát Hải quan phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu tôm hùm đất; kịp thời đấu tranh, ngăn chặn đối với các hành vi vận chuyển trái phép các mặt hàng này vào Việt Nam.

Đây được xem là một biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ môi trường và sản xuất nông nghiệp trước nguy cơ xâm hại của tôm hùm đất. Việc thực thi nghiêm minh các quy định về nhập khẩu và buôn bán loại thủy sản này sẽ góp phần bảo vệ đa dạng sinh thái và thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Vì vậy, việc tăng cường kiểm soát tôm hùm đất nhập lậu là cần thiết để bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, không mua hoặc sử dụng tôm hùm đất nhập lậu. Phản ánh hành vi vi phạm cho cơ quan chức năng nếu phát hiện.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!