Làm thế nào để hạn chế bệnh gan thận mủ?

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Vào mùa mưa lũ, cá tra nuôi trong ao thường bị bệnh gan thận mủ. Xin hỏi làm thế nào để hạn chế được bệnh trên?

(Nguyễn Hoàng Thao, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)

Trả lời:

Bệnh gan thận mủ xuất hiện trên cá tra hầu như quanh năm, nhưng bệnh xảy ra nặng nhất vào lúc giao mùa, mùa mưa, thường bùng phát vào các tháng 7, 8, 10, 11. Bệnh xuất hiện nhiều lần trong 1 vụ nuôi. Bệnh xảy ra trên cá tra ở tất cả các giai đoạn nuôi, nhưng chủ yếu đối với cá dưới 400 g. Vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây nên bệnh gan thận mủ ở cá tra có thể xâm nhập vào cơ thể cá từ môi trường nước qua da, qua mang cá hoặc qua miệng.

Để chủ động phòng bệnh, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập và lây lan vào hệ thống nuôi cá tra trong vùng, các hộ nuôi cá cần có ao lắng lọc, sát trùng nước trước khi bơm nước vào ao nuôi. Định kỳ 10 – 15 ngày xử lý nước ao nuôi để diệt vi khuẩn, virus gây bệnh trong ao bằng cách dùng vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 2 – 3 kg/100 m² tạt quanh ao kết hợp các loại thuốc sát trùng nước ao nuôi hiệu quả cao như BKC, Vime-Protex, Vimekon. Đối với những ao nuôi cá tra, lượng vật chất hữu cơ lơ lửng tồn tại trong ao rất cao, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến tác dụng diệt khuẩn của các loại thuốc sát trùng như Chlorine, thuốc tím, H2O2. Vì vậy, nên dùng Vimekon để xử lý nước vì nó có ưu điểm là hiệu quả diệt khuẩn cao, không bị ảnh hưởng bởi môi trường có nhiều chất hữu cơ.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!