(TSVN) – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật (SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới và cam kết SPS trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do”.
Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc thực thi các nghĩa vụ đối với Hiệp định SPS của WTO và các Hiệp định thương mại tự do trong thương mại nông, lâm, thủy sản và thực phẩm quốc tế; nâng cao năng lực quản lý, đánh giá, thử nghiệm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ các quy định SPS tại các thị trường xuất, nhập khẩu; tận dụng tối đa cơ hội đầu tư của thành viên WTO và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam.
Cụ thể, đến năm 2025, đảm bảo tỷ lệ quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản hài hòa tiêu chuẩn quốc tế đạt 70%; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về chuyên môn nghiệp vụ; 80% các mặt hàng và thị trường trọng điểm tương ứng được xây dựng cẩm nang hướng dẫn tuân thủ các biện pháp SPS; 100% các địa phương kiện toàn đầu mối hỏi đáp các quy định SPS của thị trường; Hoàn thành Cổng thông tin quốc gia về SPS, kết nối và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS của thị trường giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam. Đồng thời xử lý kịp thời các quan ngại liên quan đến biện pháp SPS.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản. Ảnh: ST
Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản tương đương quy chuẩn quốc tế đạt 100%; Đẩy mạnh cơ sở dữ liệu kết nối thông tin tương tác giữa hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan quản lý ở địa phương và hệ thống SPS của Việt Nam; 100% cán bộ quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật các cấp được bồi dưỡng, cập nhật hàng năm về kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, Đề án đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động, thực vật cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm (cán bộ quản lý, hợp tác xã, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, cơ quan truyền thông, nông dân, nhà phân phối, người tiêu dùng); Xây dựng cơ sở dữ liệu, khai thác và chia sẻ thông tin về các biện pháp SPS theo nhóm mặt hàng, theo từng thị trường.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong nước, xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hài hòa với các tiêu chuẩn, khuyến nghị quốc tế (Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế (Codex), Tổ chức Thú y thế giới (WOAH), Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC)) để thực thi có hiệu quả cam kết quốc tế trong lĩnh vực SPS của WTO và các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương.
Tăng cường năng lực phân tích và đánh giá rủi ro đối với các mối nguy mất an toàn thực phẩm, sinh vật gây hại và dịch bệnh: đánh giá mức độ chuẩn hóa của hệ thống quy định của Việt Nam theo tiêu chuẩn, khuyến nghị quốc tế Codex, WOAH, IPPC và mức độ các kiểm định tương đương của Việt Nam đáp ứng quy định SPS của các thị trường trọng điểm; Xây dựng các biện pháp SPS phù hợp với cam kết để bảo vệ sức khỏe con người và sức khỏe động, thực vật trên lãnh thổ Việt Nam; góp phần quản lý hiệu quả, an toàn các nguồn thực phẩm, sản phẩm nông, lâm, thủy sản… nhập khẩu;
Cùng đó, rà soát, sửa đổi bổ sung, công bố và phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm theo tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế (Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế). Xác định các nguồn lực chủ động tham gia các quy chuẩn kỹ thuật của Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thực phẩm của Việt Nam mà Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Codex quốc tế chưa có hoặc không đáp ứng được yêu cầu thực tế của thị trường.
Rà soát, sửa đổi bổ sung, công bố và phổ biến các quy định về kiểm dịch động vật (trên cạn và dưới nước) phù hợp với quy chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với nông sản và thực phẩm xuất khẩu, áp dụng hệ thống mã số, mã vạch nhằm hỗ trợ cho việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm khi có vấn đề mất an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động, thực vật…
Phạm Thu