Phòng trị một số bệnh thường gặp trên ếch Thái Lan

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hiện, nuôi ếch Thái Lan được đánh giá là mô hình khá tiềm năng, mang lại lợi nhuận cao cho người dân, tập trung chính ở khu vực ĐBSCL, và đang nổi lên nhanh ở một số địa phương khu vực phía Bắc. Tuy nhiên, chính sự phát triển nhanh và ồ ạt về quy mô và diện tích nuôi đã dẫn đến nhiều rủi ro cho nghề nuôi ếch hiện nay, đặc biệt là vấn đề dịch bệnh.

Thời tiết thay đổi, mật độ nuôi quá dày, môi trường nuôi không tốt, không diệt khuẩn, vị trí nuôi ếch không thích hợp, thức ăn không tươi, cho ăn không hợp lý,… tất cả những vấn đề trên đều có thể dẫn đến nguy cơ đàn ếch nuôi bị bùng phát các dịch bệnh. Sự gia tăng dịch bệnh đã làm ếch nuôi chết hàng loạt gây ra thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi. Các bệnh thường gặp ở mô hình nuôi ếch  hiện nay chủ yếu là bệnh phù mắt, quẹo cổ, lở loét, đỏ thân và trướng bụng; nếu không áp dụng kịp thời các biện pháp điều trị thì ếch bỏ ăn dẫn đến suy kiệt và chết.

Ngoài các loại bệnh liên quan đến chướng hơi, đường ruột thì các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn gây ra trên ếch cũng đang được quan tâm nhiều hơn trong nhiều năm trở lại đây. Theo các báo cáo trước đây, một số loại bệnh do vi khuẩn thường gặp trên ếch có thể kể đến như:

Bệnh xuất huyết: Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas hydrophila với những biểu hiện ở ếch bệnh thường thấy như: có những nốt chấm đỏ trên thân, tụ huyết ở góc đùi, chân sưng, ếch di chuyển khó khăn, bỏ ăn, lờ đờ. Khi giải phẫu thấy xoang bụng có hiện tượng xuất huyết, có dịch lỏng màu vàng.

Biểu hiện bệnh xuất huyết do Aeromonas hydrophila

Bệnh mủ gan: Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella sp. gây ra (thường xảy ra trên cá tra) với triệu trứng có những đốm trắng li ti trên gan ếch khi giải phẫu. Ếch bệnh thường bỏ ăn, ốm, ít hoạt động. Bệnh này thường xảy ra ở giai đoạn ếch nhỏ do ếch không tiêu hóa được thức ăn, thức ăn kém chất lượng hay ếch ăn quá nhiều. Triệu chứng của bệnh này là bụng ếch căng to, ếch ít di chuyển và vận động khó khăn. Một số ếch thấy hậu môn lòi ra, ruột sưng và có màu đỏ, trong ruột có dịch lỏng lẫn thức ăn.

Bệnh do vi khuẩn Edwardsiella in sp. gây ra với triệu trứng có những đốm trắng li ti trên gan ếch khi giải phẫu

Bệnh phù mắt, quẹo cổ: Bệnh này chưa xác định được tác nhân, nhưng nhiều khả năng có thể do vi khuẩn Pseudomonas sp. Ếch bệnh có triệu chứng mắt ếch có mủ ở mí mắt, viêm sưng, có màu trắng đục ở một mắt, rồi lây sang mắt còn lại gây mù cả hai mắt.Bệnh này thường đi kèm với triệu trứng cổ quẹo, thân hơi nghiêng do bị cong cột sống, ếch không bơi mà chỉ xoay tròn hoặc nằm ngửa bụng. Khi ếch bị bệnh này sẽ không bắt mồi được nên chỉ chết sau vài ngày.

Một nghiên cứu thử nghiệm gần đây được tiến hành bởi nhóm nghiên cứu mạnh Dinh dưỡng thức ăn và NTTS (Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của quy trình phòng trị bệnh do vi khuẩn gây ra trên ếch Thái Lan nuôi thương phẩm.

Bổ sung sản phẩm VUA ẾCH giúp cải thiện tỷ lệ sống của ếch với mức cao hơn từ 5 – 10% 

Nghiên cứu sử dụng fosfomycin sodium và tylosin tartrate (VUA ẾCH- sản phẩm Thương mại) bổ sung trong thức ăn đến việc cải thiện khả năng kháng bệnh của ếch Thái Lan với các chủng vi khuẩn gây bệnh phổ biến như: S.agalactiae, A. hydrophilaPseudomonas sp.

Thử nghiệm được thực hiện tại hơn 10 trang trại nuôi ếch ở các địa phương như: Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6/2024. Kết quả bước đầu cho thấy việc cho ếch ăn bổ sung định kỳ fosfomycin sodium và tylosin tartrate (VUA ẾCH) giúp ếch cải thiện tỷ lệ sống so với các lô thí nghiệm không cho ăn, với mức cao hơn từ 5 – 10% được ghi nhận. Tuy nhiên, việc bổ sung các loại phụ gia thử nghiệm không giúp ếch cải thiện các thông số tăng trưởng về khối lượng và kích thước một cách đáng kể. Thu thập mẫu ếch và phân lập vi khuẩn gây bệnh, kết quả cũng cho thấy ếch ở các lô sử dụng sản phẩm phụ gia thử nghiệm có tỷ lệ nhiễm thấp hơn đáng kể so với các lô không sử dụng. Do đó, có thể thấy việc thử nghiệm này bước đầu đã mang lại một hướng đi mới trong việc xử lý dịch bệnh trên ếch nuôi. 

ThS. Lê Xuân Chinh

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!