(TSVN) – Vi tảo biển Aurantiochytrium sp. có khả năng sản xuất LC-PUFA, đặc biệt là DHA. Phụ gia thức ăn từ loại tảo này giúp TTCT ứng phó với trời lạnh và tăng khả năng chống lại dịch bệnh.
Nhiệt độ lý tưởng cho các loài tôm dao động 27 – 30°C và các giá trị nằm ngoài phạm vi tối ưu này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm virus gây hội chứng đốm trắng (WSSV). Động vật giáp xác không có khả năng tổng hợp axit béo chuỗi dài không bão hòa đa (LC-PUFA), nên chế độ ăn cần bổ sung các loại axit béo để hỗ trợ các chức năng sinh lý, miễn dịch, phản ứng viêm; đặc biệt ở điều kiện nhiệt độ thấp. Axit béo không bão hòa đa (PUFA) có nhiều trong các sinh vật biển, vi tảo và rong biển.
Ở nhiệt độ 220C, bổ sung tảo Aurantiochytrium sp. theo tỷ lệ 3 và 4% giúp TTCT tăng đề kháng trước virusẢnh: Globalseafood
Nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm thuộc Đại học Santa Catarina, Florianópolis, Brazil đã sử dụng bột tảo Aurantiochytrium sp. để nuôi 600 con TTCT giống (PL10) trong hệ thống nước sạch ở nhiệt độ cận tối ưu 22°C. Toàn bộ tôm đã được thử thách virus WSSV.
Thử nghiệm tăng trưởng kéo dài 9 tuần trong hệ thống nước sạch trong nhà với tỷ lệ thay nước hàng ngày 80 – 100%, mật độ 100 con/m² trong bể 400 lít. Chuẩn bị 5 nghiệm thức, trong đó khẩu phần đối chứng không bổ sung tảo Aurantiochytrium sp., chứa lecithin đậu nành và dầu cá đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của TTCT; 4 khẩu phần còn lại chứa tảo theo tỷ lệ 1, 2, 3, 4%. Mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần.
Trong suốt thời gian nuôi thử nghiệm, luôn duy trì nhiệt độ nước 22°C. Tuy nhiên, tỷ lệ sống cuối cùng của tôm ở các nghiệm thức không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ này và luôn duy trì trên 96%. Tỷ lệ sống cao chứng tỏ khả năng thích ứng của tôm ở môi trường 22°C và tầm quan trọng của việc duy trì nhiệt độ ổn định mặc dù đây là mức nhiệt cận tối ưu. Hiệu suất tăng trưởng giữa các nhóm tôm không khác biệt đáng kể.
Theo nhiều báo cáo trước đây, tôm có thể kích hoạt cơ chế điều hòa trao đổi chất khi nhiệt độ thay đổi đột ngột, và thành phần phospholipid trong chế độ ăn có thể giúp tôm ứng phó với thời tiết lạnh. Trong nghiên cứu hiện tại, tôm được cho ăn khẩu phần bổ sung 1, 2, 3, và 4% bột tảo Aurantiochytrium sp. có hàm lượng DHA lần lượt 0,48; 0,73; 0,91 và 1,11%. Trong khi nhóm tôm đối chứng có hàm lượng 0,25% DHA, chứng tỏ lecithin đậu nành có thể làm giảm nhu cầu DHA của tôm.
Trong nghiên cứu trên, nhiệt độ cận tối ưu, gia tăng tỷ lệ axit béo n-3:n-6 và bổ sung thành phần giàu DHA, PUFA vượt nhu cầu thông thường đã không tác động bất lợi đến tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm. Ngược lại, tôm thích nghi tốt trong điều kiện nhiệt độ thấp và ổn định. Hiệu suất tăng trưởng của nhóm tôm này cũng không khác biệt đáng kể khi tỷ lệ n-3:n-6 tăng theo liều phụ gia thức ăn.
Thông thường, khi nhiệt độ nước thấp, tôm thường ăn kém, và giảm hoạt động. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra trong nghiên cứu tại Brazil. Lý giải nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, nhiệt độ nước thấp nhưng luôn duy trì ổn định suốt quá trình thử nghiệm. Tuy nhiên, họ vẫn nhận thấy nhiệt độ dưới mức tối ưu đã ảnh hưởng đến tốc độ ăn của tôm và làm cho quá trình này kém hiệu quả hơn so với các nghiên cứu được thực hiện ở nhiệt độ lý tưởng hơn.
Tổng số vi khuẩn Vibrio dị dưỡng và tổng số vi khuẩn Vibrio xuất hiện tự nhiên trong môi trường nuôi và đường ruột của tôm không khác biệt đáng kể. Thay nước hàng ngày theo tỷ lệ 80 – 100% đã giúp duy trì hàm lượng hợp chất nitơ thấp trong hệ thống, từ đó kiểm soát được sự phát triển của Vibrio. Những vi khuẩn này có thể phát triển trong phạm vi nhiệt độ rộng 0,5 đến 48°C, nhưng tốc độ tăng trưởng của chúng nhanh hơn ở dải nhiệt cao, chẳng hạn V. parahaemolyticus và V. alginolyticus ở 37 – 42°C. Tổng số vi khuẩn mà nhóm chuyên gia Brazil quan sát được phù hợp với kết quả trong các nghiên cứu trước đây.
Trong thử nghiệm thách thức dịch bệnh, ở nhiệt độ thấp 22°C, bổ sung tảo Aurantiochytrium sp. theo tỷ lệ 3 và 4% giúp tôm tăng đề kháng trước virus. Tuy nhiên, khi nhiệt độ tăng lên 28°C, chỉ có nhóm tôm bổ sung 4% tảo Aurantiochytrium sp. đạt tỷ lệ sống cao và có khả năng kháng WSSV. Các chuyên gia cho biết, thành phần của tảo Aurantiochytrium sp. và beta-1,3-glycans trong thành tế bào của nó có đặc tính tăng cường sức khỏe cho vật nuôi, cụ thể, chống ôxy hóa, kháng viêm và kích thích miễn dịch. Trong nghiên cứu trước đây, bổ sung beta-1,3-glycans đã được chứng minh hiệu quả tăng sức chống chịu cho tôm nước lợ trước virus WSSV.
Sự thay đổi thành phần axit béo của phospholipid rất quan trọng trong quá trình thích ứng với thay đổi nhiệt độ. Nhìn chung, sẽ có hiện tượng PUFA và axit béo không bão hòa đơn (MUFA) tăng lên còn axit béo bão hòa (SFA) giảm trong lớp màng phospholipid. PUFA tăng giúp màng tế bào hoạt động bình thường. Trong nghiên cứu trên, thành phần phong phú của hợp chất hoạt tính sinh học trong tảo Aurantiochytrium sp. đã tăng đề kháng cho tôm trước virus ở nhiệt độ thấp.
Tuy nhiên, khi gây sốc nhiệt bằng cách tăng nhiệt độ, tôm được bổ sung 3% tảo Aurantiochytrium sp. lại có tỷ lệ chết cao. Điều này chứng tỏ, khẩu phần 3% tảo Aurantiochytrium sp. không giúp tôm chống chịu sự biến đổi nhiệt độ đột ngột và cần được nghiên cứu thêm.
Bổ sung tảo Aurantiochytrium sp. không ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng của TTCT nuôi ở nhiệt độ dưới mức tối ưu. Tuy nhiên, ở mức bổ sung 4%, tỷ lệ chết của tôm thấp hơn sau khi nhiễm virus WSSV liên quan đến sốc nhiệt.
Vũ Đức
(Theo Globalseafood)