T3, 09/07/2024 09:00

Phát triển khoa học – công nghệ bảo vệ đại dương

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Khoa học, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững kinh tế biển, giúp củng cố cơ sở vững chắc cho quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Ý nghĩa thiết thực

Hiểu rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu cơ sở khoa học thực tiễn, phát triển và ứng dụng công nghệ để bảo vệ môi trường biển và hải đảo, từ năm 2010 đến năm 2022, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thực hiện 56 đề tài cấp Bộ với đầy đủ các mục tiêu và nội dung đề ra. Trong đó, 42 đã đề tài hoàn thành, 4 đề tài đang thực hiện.

Các nghiên cứu tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật phục vụ quan trắc, giám sát, điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu phục vụ yêu cầu giải quyết những vấn đề cụ thể trong khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển như giám sát, đánh giá rủi ro ô nhiễm môi trường, sức khỏe hệ sinh thái biển, tràn dầu và hóa chất độc, nhận chìm ở biển, rác thải nhựa đại dương, phân định ranh giới trên biển và các nghiên cứu phục vụ xây dựng chính sách, pháp luật.

Việc ứng dụng công nghệ trong quan sát, giám sát tài nguyên, môi trường biển bước đầu cũng đã được chú trọng nghiên cứu. Đối với vấn đề kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, các nghiên cứu đã tập trung vào việc làm rõ luận cứ khoa học xác định vùng biển đặc biệt nhạy cảm; cơ sở khoa học để đề xuất quy trình phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển ven bờ; xây dựng nội dung, phương pháp, quy trình, tiêu chí đánh giá mức độ tổn thương tài nguyên, môi trường biển; cơ sở khoa học phục vụ xây dựng hướng dẫn đánh giá tác động môi trường của nhà máy điện gió, điện mặt trời trên vùng biển và hải đảo Việt Nam…

Ngoài ra, các đề tài nghiên cứu phục vụ quản lý của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tập trung vào làm rõ cơ sở khoa học để giải quyết các vấn đề liên ngành liên quan đến quản lý tổng hợp biển và hải đảo trong bối cảnh phương thức quản lý này mới được triển khai tại Việt Nam.

Định hướng phát triển

Theo Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, căn cứ vào yêu cầu của thực tiễn, trong thời gian tới Việt Nam có thể tập trung vào 4 chủ đề nghiên cứu chính:

Thứ nhất, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển để làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển để từ đó đề xuất giải pháp (kể cả chính sách và kỹ thuật), công nghệ, trang thiết bị thực hiện giám sát, quan trắc tự động, liên tục các đặc trưng môi trường biển; nâng cao trách nhiệm giải trình, lượng giá giá trị hàng hóa và dịch vụ của các hệ sinh thái biển làm cơ sở đền bù thiệt hại do hoạt động phát triển gây ra; thúc đẩy “sinh thái hóa” các ngành kinh tế biển, các mô hình kinh tế sinh thái biển phù hợp; thiết lập hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chức năng sử dụng của các khu vực biển phù hợp.

Thứ hai, nghiên cứu về ô nhiễm biển, nguồn thải, sức tải, tác động, dự báo bằng mô hình, ảnh vệ tinh, viễn thám; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường biển; hợp tác nghiên cứu các vấn đề toàn cầu về môi trường biển. Nghiên cứu nguồn gốc phát sinh rác thải nhựa đại dương, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa đai dương; tác động, ảnh hưởng của rác thải nhựa đại dương tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển, sinh vật biển, chuỗi thức ăn, sức khỏe con người và phát triển kinh tế – xã hội; hợp tác nghiên cứu trong xây dựng chính sách quản lý, giảm thiểu rác biển, rác thải nhựa trên biển, bao gồm các kỹ thuật phân tích nguồn gốc và dự báo việc hình thành các vùng tập trung rác biển, rác thải nhựa trong khu vực các biển Đông Á và sự biến động của các vùng này.

Thứ ba, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ biển, đặc biệt là các công nghệ mới, đột phá hiện nay trong sử dụng, quản lý tài nguyên không gian biển; thăm dò, quan sát, giám sát đáng giá tài nguyên, môi trường biển cũng như phục vụ việc đánh giá tác động tích lũy của các hoạt động phát triển kinh tế biển tới tài nguyên, môi trường biển; hỗ trợ thiết thực quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh dương bền vững. Các công nghệ bao gồm vật liệu tiên tiến, tìm kiếm, thăm dò và khai thác biển sâu, phát triển năng lượng biển bền vững và công nghệ sinh học biển. Triển khai nghiên cứu công nghệ về tái chế, tái sử dụng và giảm rác thải nhựa phát sinh kết hợp với các giải pháp công nghệ ngăn ngừa rác thải nhựa đại dương từ nguồn.

Thứ tư, nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn, phát triển công cụ để đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo biển, các công nghệ gắn với điều tra, khảo sát, đánh giá nguồn năng lượng tái tạo biển; đánh giá tác động của hoạt động phát triển năng lượng tái tạo biển tới tài nguyên, môi trường, các hệ sinh thái biển và việc khai thác, sử dụng không gian biển cho mục đích khác cũng đang là những vấn đề đang được quan tâm.

Thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ đã góp phần nâng cao hiểu biết về biển, cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ hiệu quả cho công tác hoạch định chính sách khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, quản lý tổng hợp biển và hải đảo. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được ứng dụng trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đăng tải trên nhiều tạp chí khoa học, hội nghị khoa học có uy tín trong nước và quốc tế.

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cũng xác định, nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực biển và đại dương sẽ là một nhân tố đột phá chiến lược cho phát triển bền vững kinh tế biển.

Hoàng Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!