Ếch đồng đang được nuôi thử nghiệm tại vùng đất Bảo Lộc. Với nhiều kĩ thuật đặc biệt, mô hình nuôi ếch của một gia đình thanh niên đã cho thấy khả năng thích ứng của giống vật nuôi này trên phố núi.
Anh Nguyễn Hoàng Bảo đang tắm cho ếch
Gia đình anh, chị Nguyễn Hoàng Bảo, Đào Thị Xuân Trâm, đường Trần Phú, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc vừa khởi nghiệp với nghề nuôi ếch. Anh Nguyễn Hoàng Bảo thông tin, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng như Đồng Nai, nuôi ếch là một nghề chăn nuôi rất phổ biến. Ếch được người tiêu dùng đón nhận bởi hương vị thơm ngon, dinh dưỡng tốt. Nhưng với phố núi Bảo Lộc, ếch vẫn là vật nuôi khá lạ. Nhiệt độ thấp, quy trình nuôi chưa quen thuộc, anh Bảo đã tư vấn rất nhiều người chăn nuôi ếch trước khi chuẩn bị mua giống.
“Kĩ thuật nuôi ếch của gia đình tôi là kỹ thuật được học hỏi từ nông dân nuôi ếch miền Tây. Đó là nuôi ếch trên vèo lưới (trong lồng lưới), tận dụng diện tích ao đất có sẵn của gia đình. Trên vèo, gia đình nuôi ếch, dưới nước thả cá rô đồng, tạo một vòng tuần hoàn khép kín, bà con hay gọi là nuôi ếch kép” – Anh Nguyễn Hoàng Bảo chia sẻ. Trên mặt ao đất có sẵn, anh Bảo làm một khung bằng thép, trên có phủ lưới thưa. Với lượng nước xấp xỉ 2 – 5 cm, ếch vừa đủ lượng nước để sinh trưởng, lại không đủ chiều sâu để có thể bơi. Anh Bảo cho biết, nuôi trên vèo với lượng nước thấp, ếch sẽ hạn chế vận động, mau lớn, mau mập.
Một trong những điều đặc biệt khác với miền Tây, đó là gia đình anh Nguyễn Hoàng Bảo nuôi trong nhà kính. Anh chia sẻ, ếch là loài lưỡng cư, môi trường sống của chúng có khí hậu ấm áp. Khi đến Bảo Lộc, khí hậu lạnh, ếch thường hạn chế sinh trưởng. Vì vậy, muốn nuôi ếch, anh đã phải làm nhà kính phủ hết diện tích ao. Sau đó, mới làm các vèo để làm nơi sinh trưởng cho ếch. Nuôi ếch phía trên, dưới ao, anh Hoàng Bảo thả một lượng lớn cá rô đồng. Theo anh, cá rô đồng là loại cá thích hợp để nuôi chung với ếch.
“Chúng tôi cho ếch ăn ở phía trên, thức ăn thừa lọt qua khe lưới, làm thức ăn cho cá rô đồng. Ếch lột da mỗi ngày, lớp nhớt, lớp da cũng trở thành thức ăn cho cá, gia đình hoàn toàn không phải cho cá ăn thêm. Khi ếch bị hao hụt, những con ếch con cũng được làm thức ăn cho cá. Đồng thời, cá ăn sạch chất thải, thức ăn dư thừa giúp nước sạch, giảm ô nhiễm. Đây là mô hình nuôi khép kín được thực hiện tại một vùng lạnh như Bảo Lộc”, anh Nguyễn Hoàng Bảo chia sẻ. Anh cũng thông tin, bà con ở miền Tây, Đồng Nai đều nuôi theo mô hình trên ếch, dưới cá. Quan trọng là chọn được vật nuôi thích hợp, phù hợp với con ếch. Trong đó, cá rô đồng là loại cá hiền, dễ ăn, dễ chăm, thị trường ưa chuộng.
Bắt đầu thả nuôi từ tháng 5/2024, ban đầu, gia đình anh Nguyễn Hoàng Bảo nhập 10 ngàn ếch giống với trọng lượng 5-7 gr/con. Đến nay, sau 2,5 tháng, trọng lượng ếch đã đạt 4-5 con/kg . Anh Bảo cho biết, đây đang là giai đoạn thúc ếch tăng trưởng nhanh, anh đang cho ăn 3 lần/ngày. Tới khoảng 3 tháng, đạt trọng lượng 3 – 4 con/kg là đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Theo thông tin, khi nuôi 10 ngàn ếch giống, tỷ lệ hao hụt 30%, sau ba tháng xuất chuồng được 1,5 tấn ếch thương phẩm.
Anh Nguyễn Hoàng Bảo cũng nhận xét, ếch là loài có thời gian sinh trưởng rất nhanh. Vì vậy, nếu chăm sóc tốt, chỉ ba tháng là có thể thu được một lứa ếch thịt. Đồng thời, với việc nuôi ếch, cá rô đồng cũng đủ trọng lượng để xuất bán. Vì vậy, những nông dân ưa thích nuôi ếch tại Bảo Lộc đã thành lập một tổ hợp tác để chung sức phát triển nghề nuôi ếch.
Không chỉ dừng lại ở nuôi ếch thịt, gia đình anh Nguyễn Hoàng Bảo đang nghiên cứu để nuôi ếch sinh sản. Theo anh Bảo, mùa mưa lạnh, ếch phối sinh ra nhiều ếch đực có trọng lượng nhỏ, giá trị kinh tế thấp. Vào mùa ấm, ếch sinh sản sẽ cho ra tỷ lệ ếch cái cao, trọng lượng to hơn, giá trị kinh tế cao hơn. Anh Hoàng Bảo, chị Xuân Trâm sau thời gian 3 tháng nuôi thử nghiệm cho hiệu quả tốt, đang làm thêm một nhà kính và làm vèo để nuôi thêm 20 ếch giống cũng như làm một khu vực để nghiên cứu ếch sinh sản. Theo anh Bảo, việc quan trọng nhất khi nuôi ếch là phải đảm bảo môi trường nước trong sạch. Ao phải có hệ thống nước ra vào, khi nước quá ô nhiễm cần xả nước và tăng lượng nước mới.
Anh Mai Xuân Trường – Phó Bí thư Đoàn phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc đánh giá, vợ chồng anh chị Nguyễn Hoàng Bảo – Đào Thị Xuân Trâm là những thanh niên trẻ hiện đại, sinh hoạt tích cực trong phong trào đoàn thể tại địa phương. Đồng thời, anh chị cũng là những tấm gương thanh niên khởi nghiệp, chăn nuôi các loại: ếch, cá rô, cá lóc, ổn định kinh tế gia đình và tham gia xây dựng phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi của phường Lộc Sơn.
Nguồn: Báo Lâm Đồng