Quảng Ngãi: Nghề săn mực đuổi

Chưa có đánh giá về bài viết

Săn mực đuổi là nghề có từ lâu đời của ngư dân ở các xã ven biển Bình Thuận, Bình Hải, Bình Châu (Bình Sơn), giúp nhiều gia đình có thu nhập mỗi ngày.

Mực đuổi là tên gọi gắn với cách bắt mực đặc biệt của người dân nơi đây. Đó là sau khi giăng lưới xong, ngư dân lặn xuống nước đuổi mực từ trong gành vào lưới. Hằng ngày, cứ khoảng 5 giờ sáng, nhiều ngư dân ở xã Bình Thuận có mặt tại mũi Co Co, thuộc thôn Tuyết Diêm 1 để kéo thúng xuống biển, bắt đầu hành nghề săn mực đuổi. Những chiếc thúng được ngư dân chèo ra khỏi bờ chừng vài trăm mét sẽ dừng lại và thả lưới. Để đuổi được mực vào lưới cần phải có 4 người đi trên 2 chiếc thúng (2 người/thúng). Sau khi giăng lưới, mỗi thúng sẽ cử một người nhảy xuống nước đuổi mực, còn người trên thúng dùng dây thừng đập xuống mặt nước cho mực chạy vào lưới. Sau đó 2 chiếc thúng sẽ đi vòng quanh thu lưới.
Thành quả của ngư dân Ngô Văn Hùng, ở xã Bình Thuận (Bình Sơn), sau 2 giờ săn mực đuổi.

Ông Ngô Văn Hùng, ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận đã có thâm niên trên 30 năm hành nghề săn mực đuổi. Năm nay, dù đã bước qua tuổi 75 nhưng hầu như ngày nào ông Hùng cũng cùng với các ngư dân đi săn mực đuổi. Ông Hùng chia sẻ, nghề săn mực đuổi chỉ đi cách bờ vài ba trăm mét, thời gian bắt mực cũng chỉ 2 – 4 giờ nên rất thuận lợi. Nghề săn mực đuổi không cần phải tốn nhiều chi phí để mua sắm ngư lưới cụ. Cùng hành nghề săn mực đuổi với ông Hùng là ông Trần Ngọc Trung, ở thôn Tuyết Diêm 2. “Chúng tôi làm nghề này quanh năm, trừ những ngày biển động mạnh. Thời điểm săn mực đuổi thường bắt đầu từ 5 – 9 giờ sáng. Nghề này không tốn nhiên liệu, lại hoạt động khu vực quanh bờ nên hôm nào có mực nhiều thì chúng tôi săn lâu hơn, còn hôm nào ít mực thì về sớm. Trung bình mỗi ngày kiếm được 300 – 500 nghìn đồng/người. Có những hôm trúng đậm, thu được tiền triệu”, ông Trung cho biết.

Theo các ngư dân, mực xuất hiện nhiều vào những ngày biển động, nhất là từ tháng 8 âm lịch trở đi. “Có những lúc mực nhiều đến nỗi chúng tôi chỉ cần lấy gàu xúc. Cá biệt có hôm 4 người bắt được 35 – 40kg mực. Với giá bán 350 nghìn đồng/kg, mỗi người cũng kiếm được 3 – 4 triệu đồng sau vài giờ hành nghề”, ông Hùng phấn khởi nói. Mực sau khi gỡ từ lưới ra sẽ được cho vào bịch ni lông và đổ nước biển vào để mực tươi sống. Vì là “đặc sản” với số lượng đánh bắt không nhiều, nên mực đuổi chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn. Giá mực đuổi vì thế cũng cao hơn giá các loại mực khác.

Bài, ảnh: An Nhiên

Nguồn: Báo Quảng Ngãi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!