(TSVN) – Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, nghề nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam đã được nhiều địa phương xem như là một trong những mô hình kinh tế quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh.
Các loài cá nước lạnh là đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao. Trứng cá tầm muối (Caviar) là sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường thế giới. Tại Việt Nam, từ năm 2004 – 2005, cá hồi vân và cá tầm được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nhập khẩu trứng cá đã thụ tinh về nuôi thử nghiệm thành công tại huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Việc phát triển nuôi cá tầm trong những năm qua đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nước có sản lượng cá tầm lớn nhất thế giới gồm: Trung Quốc, Nga, Italia, Bungari, Iran, Mỹ, Pháp, Việt Nam, Ba Lan và Đức.
Cá tầm là loài cá nước lạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao
Với nỗ lực nhằm khai thác tiềm năng các thủy vực nước lạnh, hiện nay, cá nước lạnh (chủ yếu là cá tầm) đã được nuôi tại 21 tỉnh, chủ yếu tại khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Sản lượng cá nước lạnh tăng nhanh trong thời gian qua. Năm 2007, sau thời gian 2 năm đưa về nuôi tại Việt Nam, sản lượng đạt 95 tấn; năm 2010 là 450 tấn; năm 2015 là 1.585 tấn; năm 2020 đạt 3.720 tấn và đến năm 2023 đạt hơn 4.668 tấn. Tăng trưởng sản xuất trong giai đoạn 2007 – 2023 trung bình 49,13%/năm.
Báo cáo tại “Hội nghị Tổng kết 20 năm phát triển cá nước lạnh và giải pháp trong thời gian tới”, ông Nguyễn Văn Hữu – Phó Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Cục Thủy sản) cho biết, công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá tầm đã được các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I nghiên cứu thông qua nhiều đề tài/dự án. Đến nay, trong 5 loài cá tầm được nuôi tại Việt nam thì 3 loài cá tầm gồm cá tầm Nga, cá tầm Siberia, cá tầm Sterlet đã hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất giống tại Việt Nam và được ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Việc thành lập Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng và Hội Cá nước lạnh tỉnh Lào Cai đã góp phần hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh. Hiệp hội, hội đã tổ chức có hiệu quả công tác hỗ trợ các thành viên khi gặp khó khăn, rủi ro trong sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Mặc dù sản lượng, kỹ thuật nuôi cá nước lạnh đã phát triển mạnh trong 2 thập kỷ qua nhưng đến hết tháng 5/2024 mới có 9/31 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tầm được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy định. Có 32/845 cơ sở (đạt 0,37%) nuôi cá tầm thương phẩm được cấp mã số nuôi.
Toàn cảnh Hội nghị
Công nghệ nuôi cá nước lạnh hiện tại đang được sử dụng vốn là công nghệ nuôi đối tượng cá truyền thống, khu vực nhiệt đới. Nhóm cá nước lạnh chịu biến đổi nhiệt độ và độ đục kém hơn nhiều so với nhóm cá truyền thống, nhưng nhu cầu ôxy hòa tan lại cao hơn nhiều so với nhóm cá nhiệt đới. Hầu hết công nghệ nuôi hiện nay chưa đáp ứng được các đặc điểm sinh học của cá nước lạnh nên tỷ lệ hao hụt cao, năng suất nuôi thấp.
Ngoài ra, việc khai thác và sử dụng nguồn nước lạnh chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả. Vẫn còn tình trạng sử dụng nguồn nước lãng phí, nhất là các cơ sở nuôi ở vị trí đầu nguồn, điều này dẫn đến việc tranh chấp về nguồn nước trong mùa khô.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, từ ngày đưa con cá tầm về Việt Nam cho đến nay, chặng đường 20 năm phát triển đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Trong thời gian tới, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn về công nghệ và có nguồn vốn dài hạn. Hội Thủy sản sẽ nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa các mong muốn của nhà quản lý, thông qua việc thường xuyên trao đổi, gặp gỡ để đưa ra các giải pháp và tạo ra chuỗi liên kết trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, cần chủ động nguồn con giống để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nuôi cá tầm.
Về phần mình, ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, trong thời gian qua, năng suất và sản lượng ngành cá nước lạnh đã đạt được kết quả khá tốt. Qua đó, chúng ta cũng thấy được vai trò vô cùng quan trọng của các hội, hiệp hội trong việc kết nối các địa phương với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần siết chặt quản lý, rà soát địa điểm, hồ sơ nguồn gốc trang trại và nguồn cá giống để nâng cao chất lượng cho ngành.
Lãnh đạo Cục Thủy sản cho biết, sẽ có trách nhiệm liên kết tìm nguồn bổ sung cá bố mẹ. Ngoài ra, ông cũng đề xuất tìm kiếm các giải pháp dài hạn cho ngành nuôi cá nước lạnh, cần có địa chỉ tiêu thụ rõ ràng và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm để tạo ra thương hiệu cho cá tầm Việt Nam. Thời gian tới, cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu các sản phẩm cá nước lạnh; áp dụng quy trình nuôi tiên tiến, phát triển công nghệ chế biến.
Các địa phương cần tổ chức, xử lý nghiêm trường hợp không chấp hành quy định về sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá nước lạnh; áp dụng khoa học công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm; phát triển công nghệ chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao (như trứng cá tầm muối), phục vụ thị trường cao cấp; khuyến khích hình thức liên kết chuỗi sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn mác các sản phẩm cá nước lạnh, tạo vị thế cho sản phẩm cá nước lạnh Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Oanh Thảo