(TSVN) – Thông tin từ Sở NN&PTNT Sóc Trăng, sản xuất thủy sản trong tháng 6/2024 gặp khó khăn khi diện tích tôm thẻ chân trắng thiệt hại tăng cao do dịch bệnh, nắng nóng…
Theo đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng, ước tháng 6/2024 là 27.723 tấn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng ước đạt 90.655 tấn, tăng 2,21% so cùng kỳ năm trước (trong đó, sản lượng cá 33.300 tấn, tăng 4,08%; tôm 54.625 tấn, tăng 1,08%; sản lượng thủy sản khác 2.730 tấn, tăng 2,75%). Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng do tăng sản lượng thu hoạch từ diện tích nuôi cá, tôm theo mô hình thâm canh, siêu thâm canh. Tuy nhiên, tháng 6/2024, do phát sinh nhiều diện tích thiệt hại tôm thẻ chân trắng nuôi nên sản lượng thủy sản trong tháng sụt giảm kéo theo sản lượng 6 tháng đầu năm 2024 tăng không nhiều so cùng kỳ.
Do ảnh hưởng dịch bệnh, thời tiết khiến nhiều diện tích tôm nuôi thiệt hại (Ảnh minh họa). Ảnh: ST
Diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 là 40.724 ha, giảm 2,75% so cùng kỳ năm trước, bằng 1.153 ha (diện tích nuôi cá 9.433 ha, tăng 189 ha; diện tích nuôi tôm 29.805 ha, giảm 1.384 ha, thủy sản khác 1.486 ha, tăng 42 ha). Diện tích thu hoạch thủy sản, ước 6 tháng đầu năm 2024 là 12.990 ha, tăng 2,64% so cùng kỳ năm trước, bằng 334 ha (thu hoạch cá 5.029 ha, tôm 7.198 ha, thủy sản khác 763 ha).
Diện tích thiệt hại đến ngày 15/6/2024 là 1.144 ha, tăng 36,19% so cùng kỳ, bằng 304 ha (thiệt hại tôm sú 89 ha; thiệt hại tôm thẻ chân trắng 1.055 ha) do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng, bệnh gan tụy, đốm trắng…
Hiện đang trong giai đoạn mùa mưa, thời tiết diễn biến thất thường, do đó, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục tập trung theo dõi sát diễn biến thời tiết, môi trường để khuyến khích người dân lựa chọn được thời điểm thả nuôi phù hợp; tăng cường công tác quan trắc môi trường tại ao nuôi, vùng nuôi để kịp thời thông tin, khuyến cáo nông dân khi có dịch bệnh phát sinh. Các địa phương có diện tích nuôi tôm phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, cung ứng tôm giống và các sản phẩm phục vụ nuôi trồng thủy sản để đảm bảo người nuôi tiếp cận được với nguồn vật tư đầu vào uy tín, chất lượng.
Đồng chí Đồ Văn Thừa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng khuyến cáo: Người nuôi tôm trong thời điểm hiện tại cần lưu ý vấn đề về quản lý môi trường nuôi, thức ăn và thực hiện tốt các giải pháp hạn chế dịch bệnh trong giai đoạn này như: cải tạo ao thật kỹ trước khi thả nuôi tôm, diệt bỏ các vật chủ trung gian mang mầm bệnh và ảnh hưởng đến đường ruột của tôm. Chọn con giống ở cơ sở có uy tín, có thương hiệu, có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, con giống có giấy kiểm dịch và phải xét nghiệm sạch bệnh ít nhất 3 loại bệnh thường gặp là đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp và bệnh còi – vi bào tử trùng. Thường xuyên bổ sung vôi, khoáng chất, đặc biệt là canxi, magie, kali cho tôm, nhất là các ao độ mặn thấp, để phòng ngừa bệnh cong thân đục cơ – mềm vỏ, tăng sức đề kháng cho tôm. Thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ nước > 330ºC nên cắt cữ tôm ăn hoặc giảm 30 – 50% lượng thức ăn; đồng thời tăng cường sử dụng vi sinh, men tiêu hóa, axit hữu cơ để hỗ trợ đường ruột giúp tôm tiêu hóa tốt thức ăn…
Thái Thuận