Cách ao nuôi xử lý thiếu ôxy hòa tan sau mưa

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Hỏi: Ao tôm có độ trong 45 cm, xuất hiện nhiều chất lơ lửng, bọt nổi nhiều khi không chạy quạt, xác tảo rải rác trên bề mặt ao. Trước đó có mưa lớn và kéo dài nhiều ngày. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục?

(Nguyễn Trung Khanh, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang)

Trả lời:

Ao nuôi xuất hiện các dấu hiệu trên có thể do mưa lớn kéo dài làm thiếu ôxy hòa tan, mưa kéo dài nên trời âm u thiếu ánh sáng làm cho tảo quang hợp không được và bị lụi tàn. Tảo tàn gây ra rất nhiều lệ lụy cho ao, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của tôm. Xác tảo có thể khiến tôm bị đóng rong và đen mang. Ngoài ra đối với một số loại tảo độc như: tảo lam, tảo giáp, tảo mắt,… nếu tôm ăn phải sẽ có nguy cơ mắc các bệnh đường ruột cao. Bên cạnh đó, tảo tàn cũng là nguyên nhân làm bùng phát khí độc NH3, NO2 trong ao nuôi, gây nguy hại đến sự phát triển của tôm.

Để xử lý tảo tàn trong ao nuôi tôm, đầu tiên cần chạy quạt hết công suất để xác tảo và các chất cặn bã tập trung về khu vực giữa ao và xi phông bùn đáy giữa ao. Sau đó, nhanh chóng dùng vợt hoặc các dụng cụ khác để vớt xác tảo lên, đối với trường hợp xác tảo xuất hiện ở cuối gió có thể dùng vợt mịn vớt hoặc máy bơm hút xác tảo ở bề mặt. Đồng thời, cắt giảm 50 – 60% lượng thức ăn. Sau khi vớt xác tảo, thay nước mới, nếu có ao lắng chất lượng nước tốt thì thay khoảng 30% lượng nước trong ao. Cần đo lại pH trong ao, nếu pH thấp tiến hành bón vôi để tăng pH trong ao.

Tiến hành chạy quạt hết công suất và sử dụng thêm ôxy viên với liều lượng 1 – 2 kg/1.000 m3, cách này có thể tăng ôxy tức thời cho ao nuôi. Giúp ngăn chặn hoặc xử lý tình trạng tôm nổi đầu kéo đàn.

Sử dụng men vi sinh để ổn định tảo sau khi ao nuôi bị tảo tàn. Thời gian tạt vi sinh tốt nhất là 9 – 10 giờ sáng. Men vi sinh có tác dụng phân hủy xác tảo, các chất hữu cơ trong ao, ngoài ra men sinh còn giúp hấp thu khí độc NH3, NO2, H2S làm đáy ao và nước sạch trở lại.

Ban KHKT

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!