Phát triển kinh tế nhờ nuôi nghêu thương phẩm

Chưa có đánh giá về bài viết

Tại các tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL, nghề nuôi nghêu thương phẩm đã và đang giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Đặc biệt, khi nghề nuôi nghêu tại Bến Tre được chứng nhận MSC lần 3, góp phần nâng cao giá trị kinh tế của con nghêu, mở thêm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Khai thác nghêu tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre giúp bà con cải thiện đời sống kinh tế gia đình.

Những năm trở lại đây, nghề nuôi nghêu thương phẩm đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con cải thiện đời sống kinh tế gia đình. Chị Trần Thị Tím, xã viên Hợp tác xã (HTX) Đồng Tiến, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: “Trước đây, cuộc sống gia đình khá khó khăn, có lúc phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống trong gia đình, nhưng từ khi tham gia vào HTX cho đến nay thì kinh tế ổn định, không còn cảnh thiếu trước hụt sau. Hiện gia đình tôi không còn là hộ thoát nghèo nữa”. Chia sẻ về công việc, chị Tím nói: khi nghêu còn nhỏ thì tham gia vào công đoạn san thưa ở những nơi nghêu tập trung nhiều (thường 3 tháng sang thưa một lần để nghêu có không gian sinh trưởng và phát triển), khi nghêu lớn thì tham gia thu hoạch và ăn theo sản lượng sản phẩm.

Ông Huỳnh Mừng Em, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Đồng Tiến, cho biết, HTX đang quản lý 900ha ven biển để nuôi nghêu với 547 xã viên; tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 250-400 lao động, thu nhập hàng ngày khoảng 300.000 đồng/người, cao điểm lên đến 500.000 đồng. Sản lượng nghêu thương phẩm hằng năm từ 6.000-10.000 tấn, doanh thu trên 10 tỉ đồng/năm. Nghêu thương phẩm của HTX bán cho các thương lái, chợ đầu mối và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Còn tại HTX nuôi nghêu Đất Mũi thành lập năm 2017 với tổng số 112 thành viên, 65% là hội viên nông dân, trong đó có 42 thành viên là hộ nghèo. Hiện HTX nuôi nghêu Đất Mũi được UBND tỉnh Cà Mau cho thuê khu vực bãi bồi ven biển thuộc ấp Rạch Thọ (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) để khai thác nghêu giống và nuôi nghêu thương phẩm. Đến nay, HTX đã thu hoạch được 3 mùa vụ, tổng sản lượng nghêu thương phẩm xuất bán ra thị trường là 1.100 tấn, tổng doanh thu 19,5 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho 11 lao động thường xuyên, hơn 50 lao động mùa vụ.

Còn tại Bến Tre, địa phương hiện có 7 HTX nuôi nghêu tập trung tại Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú với diện tích 4.200ha, sản lượng được chứng nhận MSC hằng năm đạt khoảng 8.000 tấn. Hiện con nghêu xuất xứ từ Bến Tre có uy tín và chiếm lĩnh nhiều thị trường khó tính ở châu Âu, châu Á, mang lại giá trị khoảng 200-250 tỉ đồng, đóng góp quan trọng vào tỷ trọng xuất khẩu hằng năm của địa phương. Năm 2023, tổng sản lượng nghêu khai thác trên 8.630 tấn, đạt giá trị xuất khẩu gần 200 tỉ đồng. Được biết, nghề quản lý và khai thác nghêu tỉnh Bến Tre được tái cấp chứng nhận MSC lần thứ 3. Đây cũng là địa phương duy nhất ở ĐBSCL được cấp chứng nhận do Hội đồng Quản lý biển quốc tế (Marine Stewardship Council-MSC) cấp cho “một đơn vị nghề cá” khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong thời gian từ năm 2024-2025. Giám đốc HTX Thủy sản Đồng Tâm (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) Võ Văn Tài nói, nghêu của Bến Tre được chứng nhận MSC lần đầu vào năm 2009, đến năm 2016 tái chứng nhận lần 2 và tiếp tục tái chứng nhận lần 3 đã mang lại nhiều lợi ích cho nghề nuôi nghêu tỉnh nói chung và của HTX Thủy sản Đồng Tâm nói riêng. Giá nghêu bán ra thị trường cao, ổn định, sức tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước tăng, định hình được thương hiệu trên thị trường, khách hàng ưa chuộng từ đó giúp cho xã viên HTX nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống kinh tế gia đình.

Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (Hội Thủy sản Việt Nam) Đinh Xuân Lập, cho biết: Các nước EU nhập khẩu các sản phẩm nghêu được chế biến thành phẩm cho thấy xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng và giá trị. Đặc biệt, khi nghêu Bến Tre đạt chứng nhận MSC sẽ có cơ hội mở rộng thị trường hơn 100 quốc gia, giúp việc bảo vệ nguồn lợi bền vững, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, có giá tốt hơn và quản lý nguồn lợi cùng cộng đồng tốt hơn. Từ đó, giúp gần 20.000 thành viên HTX và hàng ngàn lao động tại địa phương có cơ hội tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo Giám đốc HTX Đồng Tiến Huỳnh Mừng Em, sản lượng nghêu thương phẩm của HTX có đủ khả năng tham gia xuất khẩu, kể cả những thị trường khó tính. “Ban quản trị của HTX đã có định hướng, làm việc với các tổ chức quốc tế để làm các chứng nhận như MSC, ACS. Khi nghêu được xuất khẩu thì nghề nuôi nghêu của bà con ven biển sẽ ổn định và bền vững hơn. Không những thế, thu nhập và lợi nhuận của bà con xã viên sẽ được nâng cao”, ông Em kỳ vọng.

Để duy trì và phát triển nghề nghêu bền vững theo tiêu chuẩn MSC, nâng cao giá trị con nghêu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, địa phương đang tập trung hỗ trợ cho HTX thủy sản, cộng đồng người dân thực hiện nghiêm túc 3 bộ nguyên tắc của tiêu chuẩn MSC là khai thác phải mang tính bền vững; khai thác đảm bảo không ảnh hưởng đến cấu trúc thể, thành phần loài trên bãi nghêu; hệ thống quản lý đảm bảo theo quy định của địa phương và quốc gia. Đồng thời nhấn mạnh rằng: “Nghêu Bến Tre đạt chứng nhận MSC không những có giá trị về kinh tế mà còn mang lại nhiều yếu tố tích cực về bảo vệ nguồn lợi, bảo tồn và đa dạng sinh học; bảo đảm phát triển bền vững, ổn định hệ sinh thái vùng bãi triều ven biển, đặc biệt là mang lại thu nhập ổn định cho người dân ở các tỉnh ven biển ĐBSCL”.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00139 cho sản phẩm nghêu Bến Tre, với 3 loại được đăng ký bảo hộ là nghêu tươi (nghêu sống); nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh; thịt nghêu hấp chín đông lạnh. Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích sản xuất nghêu của Việt Nam năm 2010 khoảng 14.760ha, đến năm 2019 tăng lên 19.200ha, tập trung tại các tỉnh/thành ven biển từ Bắc tới Nam như Tiền Hải (tỉnh Thái Bình), Nam Định, Thanh Hóa, Tiền Giang, Bến Tre, TP Hồ Chí Minh…). Sản lượng tăng tương ứng từ 109.250 tấn lên 227.000 tấn. Nghêu của Việt Nam được xuất khẩu sang 42 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thị trường chính là EU, Mỹ, Trung Quốc.

Bài, ảnh: Đại Dương

Nguồn: Báo Cần Thơ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!